Tái cơ cấu nông nghiệp: Gạo Thái vấp phải khủng hoảng, cơ hội nào cho Việt Nam?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 16/12/2019 18:50 PM (GMT+7)
Tỷ giá đồng baht cao, sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Việt Nam... đang khiến ngành gạo Thái Lan vấp phải khủng hoảng đến mức phải giảm mục tiêu xuất khẩu của năm 2019. Nhiều ý kiến đánh giá, sự khủng hoảng này có thể là cơ hội cho gạo Việt.
Bình luận 0

Thua lỗ và trợ cấp

Theo thống kê, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm 2019 đạt khoảng 8 - 8,1 triệu tấn, thấp hơn chỉ tiêu 9 triệu tấn đưa ra hồi đầu năm. Năm 2018 Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 11,09 triệu tấn gạo, giá xuất khẩu trung bình 507 USD/tấn. Tuy nhiên, do xuất khẩu gạo trắng gặp khó khăn nên Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay từ 9,5 triệu tấn xuống mức 9 triệu tấn. Nhưng cuối cùng con số này cũng không đạt được.

img

  Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 có thêm nhiều cơ hội.  Ảnh: T.L

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan gặp khó là do khủng hoảng chính trị diễn ra tại Hongkong khi sản lượng xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng năm 2019 chỉ đạt 127.000 tấn, giảm 11% so với năm 2018. Đó là chưa kể, tỷ giá đồng baht duy trì cao, sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Việt Nam... đã khiến ngành gạo Thái Lan vấp phải khủng hoảng.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan thông qua một khoản ngân sách trị giá 59 tỷ baht (hơn 1,94 tỷ USD) dành cho các chương trình bảo đảm giá và trợ cấp cho gạo, dầu cọ, trong đó, có 13,3 tỷ baht dành cho chương trình bảo đảm giá gạo.

Cơ hội cho Việt Nam?

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 11 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,91 triệu tấn và 2,6 tỷ USD, tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2019 đạt 438 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Việc giảm giá gạo xuất khẩu cũng là xu hướng chung khi giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do nguồn cung mới từ vụ lúa hè dồi dào, trong khi nhu cầu toàn cầu suy yếu. Việc Thái Lan triển khai gói trợ cấp được dự báo sẽ khiến giá gạo của nước này tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong mở rộng thị trường năm 2020.

Trên thực tế, những diễn biến mới của thị trường đã khiến giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ trong tháng 11 do nguồn cung hạn chế. Mức tăng này kéo dài sang tháng cuối cùng của năm do nhu cầu tiêu thụ cải thiện và nguồn cung bị thắt chặt.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn. Lý do bắt nguồn từ tình hình Hongkong và trong năm 2020, Indonesia sẽ giảm nhập khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2019 ngành lúa gạo gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp, người nông dân chuyển dịch thị trường rất tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, chất lượng gạo của Việt Nam cũng được khẳng định khi đã có loại gạo được công nhận là ngon nhất thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giảm thiểu rủi ro, cần thúc đẩy, mở rộng thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông. Về lâu dài, tới đây Việt Nam cần giảm diện tích trồng lúa, thay bằng các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác đang rất hiệu quả.

Chủ trương giảm diện tích đất trồng lúa một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân mới đây.

Dẫn chứng việc sản xuất được loại gạo ngon nhất thế giới, giá xuất khẩu 800 - 900 USD mỗi tấn, gấp nhiều lần gạo thường, Thủ tướng đặt vấn đề: "Sản xuất đại trà có đảm bảo chất lượng được không? Đây là vấn đề bà con rất quan tâm, đề nghị các địa phương, bộ ngành đặc biệt quan tâm".

Hiện cả nước có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm 4,1 triệu ha. Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ giảm nửa triệu ha đất lúa (chủ yếu ở miền Tây), để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp và có giá trị cao hơn.

Vùng đất dân đổi đời nhờ nuôi tôm sú to, cua bự ở Cà Mau

Để tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, đến nay toàn huyện Phú Tân (Cà Mau) có trên 7.300 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, sò, cá kết hợp, với diện tích trên 13.000ha.

Những năm gần đây, huyện Phú Tân (Cà Mau) chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng chú trọng năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, tiềm năng đất đai được phát huy với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân có chuyển biến tích cực.

img

Hộ ông Phạm Văn Trung ở ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái (bìa phải) lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha/vụ từ nuôi tôm quảng canh hai giai đoạn.

Toàn huyện hiện có hơn 39.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó có 477ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh, với 434 hộ nuôi, năng suất từ 20 - 40 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Lữ Hiền (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), ông Nguyễn Văn Dự (ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây), ông Trần Văn Tuấn (ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo), ông Trần Tấn Nhã (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), lợi nhuận gần 500 triệu đồng/vụ.

Huyện có hơn 1.700ha ao, đầm nuôi tôm công nghiệp thâm canh, với gần 2.700 hộ nuôi, năng suất từ 6 - 8 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Trần Quốc Đảm (ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây), ông Nguyễn Trường Giang (ấp Lê Năm, xã Rạch Chèo)... lợi nhuận mỗi vụ hơn 300 triệu đồng.

Các loại hình nuôi tôm bền vững tiếp tục phát huy hiệu quả với trên 20.100ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến, có gần 15.000 hộ nuôi, năng suất bình quân mỗi vụ nuôi đạt 550kg/ha.

Đây là loại hình nuôi phù hợp với điều kiện của nhiều nông dân trong huyện hiện nay, do không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vốn, đồng thời cho hiệu quả kinh tế khá và ổn định. Các hộ nuôi thành công có hộ ông Lương Chí Linh (ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây), ông Lê Ngọc Giao (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn cũng được nhiều hộ dân thực hiện thành công. Tính đến nay có hơn 6.600 hộ thực hiện, với diện tích hơn 7.800ha, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 600kg/ha, cá biệt có hộ đạt 1.000kg/ha.

Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Tiêu biểu như hộ ông Lê Quốc Khải (ấp Thứ Vải, xã Tân Hưng Tây), hộ ông Phạm Văn Trung (ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái). Hình thức nuôi này hiện đang được nhiều nông dân chú trọng thực hiện.

img

Mô hình nuôi đa con: Tôm, cua, cá của ông Hồng Văn Lâu (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân) cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Để tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, đến nay toàn huyện có trên 7.300 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, sò, cá kết hợp, với diện tích trên 13.000ha. Điển hình như hộ ông Nguyễn Mai Hằng (ấp Má Tám, xã Việt Thắng), hộ ông Ngô Văn Tiền (ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái), hộ ông Hồng Văn Lâu (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân)… sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Các mô hình này được xem là một trong những giải pháp nâng cao năng suất, giúp bà con tăng thu nhập, đa dạng hình thức sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Trần Minh Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân. Trong đó tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả”.

A.P

Lâm nghiệp, thủy sản thắng lớn

Về thủy sản xuất khẩu, Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm với cá tra, mở ra triển vọng lớn để các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ. Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8,0%, vượt kế hoạch đề ra (6,0%). Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ năm nay ghi nhận mức tăng kỷ lục – đạt trên 11 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra.

K.L

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem