Để lý giải vì sao diêm dân xã Hải Lộc không còn mặn mà với nghề, chúng tôi đã vượt quãng đường gần 40 km về đồng muối trong cái nắng 40 độ C
Nhiều diện tích đất muối bỏ hoang cho cỏ mọc. Ảnh: Vũ Thượng
.Thay cho sự tấp nập, hăng say của bà con diêm dân bên những ô muối là hình ảnh nhiều ruộng muối bị bỏ hoang, hệ thống ô chạt, bể lọc vắng người thau rửa...
Để tạo nên hạt muối phải qua nhiều bước nặng nhọc. Ảnh: Vũ Thượng
Trên cánh đồng muối, ông Bùi Như Ngôi (60 tuổi, ở thôn Trường Nam) tâm sự: "Gia đình nhận 1.500 m2 đất làm muối, thấy nắng nóng kéo dài mà tiếc, nhớ nghề mới làm một vài ô. Nếu hai người làm cật lực thì ngày cũng làm được khoảng 200kg muối trắng, giá muối hiện nay chỉ được 1.500-1.700 đồng/kg, tính các chi phí thì thu nhập chỉ được hơn 100.000 đồng/ngày".
Nước biển trong ruộng muối chỉ bốc hơi tốt khi có nắng gắt, người cào muối luôn phải làm việc dưới môi trường khắc nghiệt, bịt kín người để khỏi bị muối ăn da, việc cào muối phải được tiến hành khẩn trương để kịp cho nước bốc hơi.
Quy trình để tạo nên hạt muối trắng tinh phải đánh đổi những giọt mồ hôi mặn chát, cực nhọc đã đành nhưng thu nhập của diêm dân bây giờ chẳng nuôi sống đủ bản thân. Vì thế, nghề muối truyền thống Hải Lộc có hàng trăm năm nay không còn "hót" với người nông dân.
Nắng càng gắt muối kết tinh càng nhanh. Ảnh: Vũ Thượng
Vừa gạt muối, bà Bùi Thị Hoa lấy tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán kể: "Tôi làm nghề muối từ nhỏ, nghề này cực nhọc, giờ có tuổi đi xin làm công nhân không ai nhận, đành về làm vài sào muối. Giá muối bán như cho, 10 kg muối chưa đủ tiền mua chai nước mắm. Ở đây, người dân không còn mặn mà với nghề, nhiều nhà bỏ diện tích hoang đi làm công ty, bỏ không cho cỏ mọc nhìn thấy xót xa".
Người làm muối phải bịt kín người khỏi muối ăn da. Ảnh: Vũ Thượng
Cũng có mặt trên cánh đồng muối, bà Lê Thị Lý (ở thôn Y Vích) nói: "Cả ngày quần quật ngoài cánh đồng muối sáng phải đi sớm,12 giờ trưa giữa trời nắng gắt phải đi, tối muộn mới về, mà ngày nhiều thu nhập cũng khoảng 150.000 đồng. Đây đi lấy ngao thuê có vài tiếng chủ ngao cũng trả 200.000-250.000 đồng".
Được biết, diện tích làm muối xã Hải Lộc có 74 ha với 633/2.018 hộ tham gia sản xuất. Nhưng hiện nay số diện tích bỏ hoang khoảng 25 ha với 200 hộ không còn làm muối, nhiều gia đình khác đang làm cầm chừng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Tý-Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: "Trước kia làm muối là nghề chính của bà con trong xã, nhưng vài năm trởlại đây giá muối xuống thấp, thu nhập không ổn định nên người dân không còn mặn mà với nghề. Đối với diện tích sản xuất muối ở địa phương tới đây chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân và xin chỉ đạo cấp trên để chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác cho phù hợp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.