Giá gia cầm hôm nay 26/2: "Chúng tôi chưa cần giải cứu gà, vịt"

Hải Đăng Thứ tư, ngày 26/02/2020 04:55 AM (GMT+7)
Giá gia cầm hôm nay 26/2 tại nhiều địa phương vẫn ở mức thấp. Mặc dù giá gà, vịt thịt sau Tết Nguyên đán đến giờ luôn ở mức thấp khiến nông dân thua lỗ, nhưng theo nhiều chủ trang trại, hiện người chăn nuôi gia cầm chưa cần phải giải cứu sản phẩm.
Bình luận 0

Điều mà mọi người đang mong chờ lúc này là sự điều tiết thị trường, điều tiết cung - cầu của các bộ, ngành liên quan nhằm ổn định, kích cầu để người dân tiêu dùng nhiều sản phẩm giúp cho gà, gà vịt tăng trở lại.

img

Giá gia cầm hôm nay 26/2 tại các địa phương vẫn đứng giá ở mức thấp.

Mấy ngày vừa qua khi đến thăm, khảo sát thị trường tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), PV Dân Việt liên tục nhận được các lời đề nghị thông tin về thị trường để người dân cả nước hiểu và quay lại mua nhiều gà, vịt hơn, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

"Hiện, thông tin về dịch bệnh, đặc biệt là dịch virus corona (COVID-19) đang làm cho người tiêu dùng lo lắng, bất an và có phần quay lưng với sản phẩm gia cầm khiến giá mặt hàng này "rơi tự do" từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, gây thiệt hại không nhỏ cho cả người bán và người nuôi", bà Phạm Thị Liên, một tiểu thương bán gia cầm ở chợ Hà Vỹ nói.

Theo bà Liên, cộng hưởng với dịch bệnh, bế tắc về vấn đề tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong những ngày qua cũng phần nhiều liên quan đến việc dự báo, quy hoạch chăn nuôi và điều tiết thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước chưa chuẩn, chưa phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế nên đã làm cho thị trường mất cân đối, cung vượt quá cầu.  

"Điều đáng nói hơn là thị trường, người chăn nuôi gia cầm rơi vào cảnh bế tắc thì đến giờ các bộ, ngành liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ Công thương... vẫn chưa có động thái tích cực gì để giúp đỡ, hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm. Nếu các đơn vị liên quan không sớm vào cuộc thì bà con chúng tôi càng bí bách, đường cùng", bà Liên nói.

img

Giá vịt thịt hôm nay 26/2 tại các địa phương đang ở mức trung bình từ 25.000 đồng đến 32.000 đồng/kg.

Cùng quan điểm với bà Liên, ông Phạm Văn Thao, chủ một trại gia cầm ở huyện Nam Sách (Hải Dương) cho rằng: "Với giá vịt thương phẩm hiện tại khoảng từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/kg gà thịt, người chăn nuôi không những không thể hòa vốn mà còn chịu thua lỗ khá nhiều".

Tuy nhiên theo ông Thao, dù sản phẩm gia cầm có thể có dư thừa nhưng cũng đến mức nhà nước và các cơ quan truyền thông phải kêu gọi giải cứu.

"Thời điểm này chúng tôi rất mong các cơ quan báo, đài vào cuộc tuyên truyền nhiều về sản phẩm thịt gia cầm an toàn để người tiêu dùng mua nhiều cho bà con. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ NN&PTNT cần vào cuộc quyết liệt để rà soát lại tổng đàn gia súc, gia cầm và thông tin sớm về dự báo thị trường, chuẩn xác hơn để bà con yên tâm chăn nuôi ở quy mô an toàn, hiệu quả", ông Thảo kiến nghị.

img

 Việc tiêu thụ gia cầm vào thời điểm này vẫn phụ thuộc vào các hàng quán nhỏ và người dân lao động chân tay.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá vịt thịt hôm nay tại một số vùng của miền Nam, miền Trung vẫn ở mức thấp, chỉ từ 24.000 đồng đến 32.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá gà thịt hôm nay 26/2 tại các khu vực này cũng chưa có khởi sắc nhưng việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, giá gà công nghiệp hôm nay vẫn ở mức thấp từ 12.000 đồng đến 17.000 đồng/kg; ngan thương phẩm có trọng lượng trên dưới 4,5kg có giá từ 45.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, gà mía Sơn Tây có giá từ 85.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. 

Giá trứng gia cầm vẫn tiêu thụ chậm, ở mức 1.700 đồng/quả trứng vịt, trứng gà từ 1.600 - 1.800 đồng/quả.

Một điều đáng chú ý là ở các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại có liên kết với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp vẫn ổn định ở mức đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết, từ đầu năm, công ty đã ký giá bao tiêu với một số doanh nghiệp, trang trại, mức giá ổn định từ 24.500-26.000 đồng/kg, và hiện vẫn đang duy trì mức giá thu mua như trên.

Tuy nhiên, có rất ít lượng gà công nghiệp được ký hợp đồng tiêu thụ cho doanh nghiệp.

Cả nước đã xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm

Ngày 25/2, Bộ NNPTNT tiếp tục có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới tình hình dịch cúm gia cầm, gia súc thời gian qua.
Theo Bộ NNPTNT, từ đầu tháng 1/2020 đến ngày 24/2/2020, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm.

Bao gồm 29 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1, tại 10 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng. Trong đó, 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại Quảng Ninh đã qua 21 ngày. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100 nghìn con.

Bộ NNPTNT nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một là, hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con). Trong khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao.

Việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Bộ NNPTNT liên tiếp ra văn bản chỉ đạo các địa, ban ngành liên quan sát sao trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, chủ động giám sát, cảnh báo dịch bệnh, thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
Cũng trong ngày 25/2, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt kiểm soát dịch cúm gia cầm.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 14 xã, 9 huyện của tỉnh Thanh Hóa, buộc phải tiêu hủy gần 60.000 con gia cầm. Bộ NNPTNT đề nghị tỉnh này tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, nhằm nhanh chóng kiểm soát không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem