Giá heo hơi 26/5: Lợn bị dịch tả hoành hành, giá gà tăng mạnh

Phương Thảo - Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 26/05/2019 05:00 AM (GMT+7)
Giữa lúc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp và không ngừng lây lan rộng thì giá gà ta thả vườn tăng mạnh. Trước tình hình này, một số chủ trang trại đã đẩy mạnh chăn nuôi gà dù không ai có thể dự đoán trước được thị trường tiêu thụ thời gian tới sẽ ra sao...
Bình luận 0

Giá gà tăng cao, nông dân đẩy mạnh tái đàn

Anh Nguyễn Ngọc Văn - người nuôi gà thả vườn ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, năm 2018, giá gà giảm mạnh, có thời điểm rớt ngang với giá gà công nghiệp, chỉ khoảng 39.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá gà đột nhiên tăng mạnh. Thương lái thu mua từ 55.000 – 57.000 đồng/kg với gà trống; 65.000 – 67.000 đồng/kg với gà mái.

img

Người chăn nuôi cần thận trọng tăng đàn gà khi đang bước vào mùa mưa. Ảnh: Nguyễn Vy

Khuyến cáo sử dụng thịt lợn an toàn

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, TP.HCM đang quyết liệt áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nên bệnh DTHCP chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Bà Lan cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn, nhưng khi mua cần lưu ý một số đặc điểm nhận biết thịt lợn bệnh và thịt lợn an toàn, nên mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Khi mua lưu ý những dấu hiệu nhận biết thịt lợn an toàn như: Trạng thái bên ngoài: Màng ngoài khô sạch, không dính tạp chất lạ; màu sắc đỏ tươi đặc trưng của sản phẩm; độ rắn, mùi vị bình thường; mặt khớp: Láng và trong; vết cắt: Màu sắc bình thường, sáng, khô; độ rắn và đàn hồi: Rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính...

Theo anh Văn, giá gia cầm tăng nóng gần đây là do trong một thời gian dài, các sản phẩm như gà, vịt luôn ở mức thấp, người nuôi thua lỗ nên giảm đàn, nguồn cung đến thời điểm này trở nên khan hiếm.

Tại tỉnh Đồng Nai, người chăn nuôi gà ta thả vườn ở các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ cũng cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, giá gà ta thả vườn tăng mạnh từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện giá gà ta bán tại trại từ 55.000 – 65.000 đồng/kg, tùy vào gà trống hay mái.

Theo ông Trần Minh Giản - một hộ nuôi gà ở huyện Cẩm Mỹ, nhu cầu gà ta thả vườn của thị trường hiện nay khá lớn, nhất là khi tình trạng DTLCP đang có nhiều diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ thịt gà nhiều hơn.

Ngoài ra, lượng gà nuôi tại hộ dân trong những tháng đầu mùa mưa thường có xu hướng giảm so với hồi đầu năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giá gà ta tăng mạnh gần đây.

Cũng do giá gia cầm tăng mạnh, nhiều người chăn nuôi đang có ý định tăng đàn. Ông Giao Văn Sỹ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì cho rằng, việc tăng đàn lúc này cần thận trọng vì đã bước vào thời điểm giao mùa, vật nuôi dễ mắc dịch bệnh. Hơn nữa, liên kết trong chăn nuôi gia cầm hiện chưa cao do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, dễ xảy ra mất cân đối cung cầu.

Theo ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, có một thời gian giá gia cầm xuống rất thấp, thậm chí giá gà trắng giảm xuống còn có 15.000 đồng/kg. Đến nay, giá gà trắng đã tăng lại khoảng 21.000 – 25.000 đồng/kg.

“Tuy nhiên, giá gà trắng lên, xuống thường chỉ mang tính tạm thời vì có chuỗi liên kết chặt chẽ hơn gà thả vườn kiểu chăn nuôi nông hộ. Giá gà có tăng nhưng việc tăng đàn trong lúc này rất cần thận trọng” - ông Quyết nói.

Giá lợn hơi giảm mạnh, dịch bệnh vẫn phức tạp

Những ngày qua, địa bàn TP.HCM luôn được đặt trong tình trạng “báo động” DTLCP có nguy cơ lây lan. Trong khi đó, ngoài Đồng Nai, Bình Phước là 2 tỉnh đã phát sinh ổ dịch trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch tả ở các tỉnh khác. Đơn cử như tại Bình Dương, xuất hiện 2 ổ DTLCP trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Tỉnh Hậu Giang đã phát hiện có 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã có dịch. Tỉnh Vĩnh Long có 2 ổ dịch tại phường 5 và phường 8 TP.Vĩnh Long…

Cùng với việc phát hiện dịch tả, các tỉnh đã thực hiện việc tiêu hủy số lợn bệnh, trong đó tỉnh Bình Dương tiêu hủy hơn 1.000 con lợn và 4.000kg lợn bệnh; tỉnh Hậu Giang tiêu hủy hơn 1.200 con; Bình Phước tiêu hủy 142 con…

Mặc dù TP.HCM vẫn đang khống chế được dịch bệnh, không để lây lan DTLCP vào thành phố, nhưng tâm lý một bộ phận người tiêu dùng vẫn e ngại không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế thực phẩm là thịt lợn tươi sống hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Số ít người tiêu dùng chuyển từ chợ truyền thống qua siêu thị để mua thịt lợn cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), mặc dù lượng khách chuyển qua dùng sản phẩm thịt lợn tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng lên, nhưng sản lượng thịt lợn tiêu thụ vẫn bị giảm sút.

Theo ông Phú, hiện giá lợn hơi (giá heo hơi) đã quay đầu giảm nhẹ so với đầu tuần, giá thu mua tại trại khoảng 38.500 đồng/kg, giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với vài ngày trước.

Tại Đồng Nai, sau nhiều ngày liên tiếp tăng giá thì nay giá lợn hơi cũng giảm nhẹ từ 37.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg; tại Cà Mau giảm thêm 1.000 đồng/kg, xuống mức 35.000 đồng/kg. Giá lợn hơi bán tại trại của Công ty CP cũng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với ngày 23/5.

Tại các chợ bán lẻ như chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)…, giá thịt lợn đùi hiện được bán ở mức 85.000 đồng/kg, ba rọi 100.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 140.000 đồng/kg, xương lợn 60.000 – 70.000 đồng/kg, gan lợn giá 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem