Giá heo diễn biến khó lường, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lên tiếng
Tại các tỉnh phía Nam, giá heo hơi hiện đang dao động từ 48.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, thủ phủ nuôi heo Đồng Nai đang có mức giá từ 49.500 - 51.500 đồng/kg, giá tương đối ổn định so với các khu vực khác.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục tăng cao, kích thích người nuôi đầu tư tăng đàn làm tổng đàn heo tăng lên trên 2,3 triệu con. Giá thịt và trứng gia cầm cũng đang đứng ở mức cao, khiến đàn gia cầm cũng tăng mạnh lên 25 triệu con. Ảnh: I.T
Ngành chăn nuôi Đồng Nai những năm qua có tốc độ tăng trưởng rất tốt về cả quy mô lẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dù năm 2017 là năm khủng hoảng trầm trọng về ngành chăn nuôi heo, nhưng theo số liệu thống kê, đến tháng 10/2017 tổng đàn heo vẫn tăng thêm 300.000 con.
Thời điểm này tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Nhất là từ tháng 3 trở lại đây, giá heo liên tục tăng (đầu tháng 5/2018 giá 30.000 đồng/kg, đến tháng 8/2018 giá trên 50.000 đồng/kg) tại Đồng Nai, còn các địa phương khác còn cao hơn.
Bên cạnh đó, giá gà thịt, vịt thịt, trứng cũng ở giá rất tốt, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Do đó, rất nhiều người đang tái đàn và tăng đàn trở lại, tuy nhiên con giống cả heo lẫn gia cầm đều khan hiếm, đặc biệt là giá con giống đang ở mức cao, khiến chi phí đầu vào của người chăn nuôi lớn.
Trước tình hình giá cả còn khá phức tạp, chưa dự đoán được diễn biến đến cuối năm 2018 và thực trạng nhập khẩu gia súc, gia cầm như hiện nay, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn 23/CV-HHCN, theo đó khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn nái ồ ạt vì phải trên 12 tháng mới có sản phẩm ra thị trường sau một năm giá cả rất khó lường, không thể dự đoán được.
Thay vào đó nên tập trung chăm sóc đàn nái để đạt năng suất cao nhất (cải thiện năng suất chăn nuôi từ 18 con/nái/năm) tăng lên 24 con/nái/năm.
Tham gia quy trình chăn nuôi VIETGAHP vừa tạo môi trường chăn nuôi tốt, an toàn dịch bệnh, vừa tạo thương hiệu về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Áp dụng quy trình tiêm phòng nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn dịch bệnh; Áp dụng quy trình chăn nuôi an toan và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Heo và gia cầm đến lứa nên xuất bán, không nên giữ lại chuồng, găm hàng, chờ giá. Thận trọng trong việc tăng đàn gia súc, gia cầm...
Nuôi lợn VietGAP, chỉ 8 tháng thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng
Trang trại của ông Nguyễn Văn Sửu (Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) vừa được chứng nhận trang trại chăn nuôi VietGAP đầu tiên trên địa bàn toàn huyện. Đầu năm đến nay, ông Sửu thu lãi ròng hơn 1,5 tỷ đồng từ trang trại này.
Trang trại rộng 3,5 ha với quy mô trên 2.000 con lợn thịt và 250 con lợn nái. Ảnh: baohatinh
Đây là trang trại chăn nuôi lợn đầu tiên trên địa bàn toàn huyện được Công ty cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert công nhận sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng sạch VietGAP theo quy định của Bộ NN&PTNT. Quy mô trang trại đảm bảo mô hình chăn nuôi lợn đúng mẫu, khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại. Sản phẩm khép kín từ nguồn giống đến thương phẩm. Hiện trang trại đang nuôi 2.400 con lợn thịt và 250 con lợn nái.
Điểm khác biệt giữa chăn nuôi lợn thông thường và chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP là ở quy trình chăm sóc. Theo đó, chăn nuôi VietGAP quản lý nghiêm ngặt nguồn thức ăn, nước uống. Trang trại đã lắp đặt hệ thống camera giám sát ở tất cả các chuồng trại. Các chuồng cũng được lắp đặt hệ thống quạt gió để điều hòa không khí.
Nhờ đáp ứng những tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn nên tỷ lệ sống của lợn đạt cao. Theo đó, một chuồng trại nguồn giống đầu vào khoảng 600 con, nuôi khoảng 3 tháng thì xuất chuồng. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, trang trại của ông Sửu đã xuất 5 lứa lợn.
Với giá bán bình quân từ 45.000 – 54.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Sửu thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Mỗi khu chuồng nuôi có khoảng 600 con lợn. Nhờ xử lý tốt vấn đề môi trường nên trang trại của ông Sửu kiểm soát được ô nhiễm và dịch bệnh. Nhờ đó, đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Ảnh: baohatinh
Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Thời điểm năm ngoái, giá lợn giảm sâu nhưng trang trại vẫn nuôi với quy mô trên 2.000 con. Mặc dù lỗ nhưng do mình kiểm soát được các khâu nên không để xảy ra tình trạng bỏ trống chuồng”.
Hiện nay, trang trại của ông Nguyễn Văn Sửu đang tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương bình quân từ 7 – 15 triệu đồng/tháng. Sau khi được chứng nhận VietGAP, ông Sửu tiếp tục bắt tay xây dựng trang trại an toàn dịch bệnh và tạo chuỗi giá trị trong chăn nuôi để đưa sản phẩm đi tiêu thụ rộng rãi trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.