Giá heo hơi tăng, nhiều nông dân phấn khởi chăm sóc đàn lợn, nhất là tăng cường phòng chống nóng trong những ngày cao điểm nắng nóng như hiện nay.
Giá heo hơi miền Bắc lập "đỉnh" mới 53.000 đồng/kg
Chiều ngày 4/7, trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Luật – chủ trang trại 700 con lợn thương phẩm ở Hải Hậu (Nam Định) phấn khởi cho biết: “Đợt này, nhà tôi có 500 lợn thương phẩm đến lứa xuất bán, 200 con lợn cỡ 60 -70 kg/con. Khoảng gần 2 tuần nay giá lợn liên tục tăng cao nên gia đình tôi rất phấn khởi. Hiện giá lợn hơi tại Hải Hậu dao động từ 50.000 – 52.000 đồng/kg. Đặc biệt, hôm nay (ngày 4/7) tôi đã xuất bán 60 con lợn thương phẩm với giá từ 52.000-53.000 đồng/kg”.
Giá heo hơi hôm nay 4/7 dao động phổ biến ở mức 48.000 - 50.000 đồng/kg, đặc biệt một số nơi bán mức cao nhất là 53.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.
Theo anh Luật, do đàn lợn trong dân không còn nhiều nên nhiều thương lái giết mổ sẵn sàng mua lợn với giá cao là 53.000 đồng/kg hơi, tuy nhiên số lượng thu mua không nhiều, mỗi lần chỉ bắt 5 – 7 con.
Tương tự như ở Nam Định, giá heo hơi tại nhiều tỉnh, thành khác cũng đều ghi nhận tăng 1-2 giá (1.000 – 2.000 đồng/kg) như ở Hải Dương từ 49.000 lên 51.000 đồng/kg, Hà Nam, Thái Bình cùng tăng 1.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi tại miền Bắc dao động phổ biến trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, ông Phạm Văn Cảnh chủ trang trại 500 nái, 2.000 lợn thương phẩm ở Hà Tĩnh cho biết: Hiện, giá heo hơi trên địa bàn Cẩm Xuyên dao động ở mức 51.000-52.000 đối với lợn siêu đẹp. Với giá heo đạt mức trên 50.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại, người nuôi heo có lãi từ 1,3-1,4 triệu đồng/con, tuy nhiên nhiều người chăn nuôi vẫn e ngại tái đàn.
Lắp điều hòa, mua thuốc bổ chống nóng cho đàn lợn, chi phí tăng vọt
Theo ông Phạm Văn Cảnh phân tích, người chăn nuôi e ngại tái đàn có 3 lý do. Một là, thời điểm này giá lợn giống khá đắt dao dộng từ 1,3-1,4 triệu đồng/con. Hai là, trong suốt 2 năm giá heo liên tục xuống thấp đã khiến người chăn nuôi thua lỗ đau đớn. Vì vậy, thời điểm này giá heo hơi tăng cao nhưng người nông dân vẫn không dám tái đàn, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ.
“Thống kê trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, khoảng hơn 90% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề, còn những trang trại có quy mô từ 50 – 200 con lợn thì bỏ nghề chăn nuôi đến gần 50%”, ông Cảnh thông tin.
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiễn nay, nhiều hộ chăn nuôi tắm mát cho đàn lợn 3 - 4 lần/ngày. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân thứ 3 theo ông Cảnh đó là do đang cao điểm nắng nóng nên nhiều hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ không vào đàn lúc này. Với kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi, ông Cảnh cho biết, vào những ngày thời tiết nắng nóng, oi bức như hiện nay, nếu lơ là, lợn sẽ bị mắc viêm phổi, chậm lớn, bỏ ăn và chết.
Dù đầu tư chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa, nhưng để phòng chống nắng nóng cho trang trại lợn hàng ngày ông Cảnh vẫn bật giàn phun nước trên mái từ 8h – 22h để hạ nhiệt.
Ông Cảnh cho biết: Nắng nóng kéo dài, nên nhiều chủ trang trại phải “đổ” thêm chi phí vào đàn lợn như tiền điện tăng, tiền đầu tư thêm thức ăn, các loại thuốc, vitamin bổ sung. Trong trường hợp mất điện đột ngột, các chủ trang trại phải “chạy ngược chạy xuôi” để đi thuê máy phát điện. Hộ có điều kiện thì mua sẵn máy phát điện để dự phòng.
Do điều kiện kinh tế nên gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) chưa thể đầu tư chuồng nuôi khép kín được. Với quy mô 5 con lợn nái, 100 lợn thương phẩm, thời điểm này giá heo hơi đang tăng cao nên vợ chồng ông Phúc ra sức chăm bẵm đàn lợn, nhất là phòng chống nóng cho đàn lợn trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay.
Với hệ thống chuồng hở, gia đình ông Phúc chỉ áp dụng một số biện pháp chống nóng thông thường để giảm nhiệt trong chuồng nuôi. Hàng ngày, ông Phúc tắm mát cho lợn 3 - 4 lần, bật giàn phun nước trên mái 24/24 giờ để hạ nhiệt.
“Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng kinh hoàng như mấy hôm nay thì các biện pháp trên cũng không ăn thua. Nắng nóng đàn lợn ăn ít đi, tôi phải mua thêm các loại vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn lợn. Chăn nuôi lợn vào mùa này cực kỳ vất vả và tốn nhiều chi phí. Nào tiền điện, nào tiền thức ăn bổ sung. Nếu không thế, sơ suất là có thể mất toi đàn lợn, vì thế chúng tôi chăm lợn như chăm con mọn”, ông Phúc nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.