Chợ sỉ thành lẻ
Còn khoảng 30 phút nữa (11 giờ trưa) là chợ đóng cửa để công nhân vệ sinh dọn dẹp theo quy định, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về. Nhân, quê Bạc Liêu, bán quýt tiêu, vú sữa ngay đầu cổng chợ, mặc cho mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt vẫn cứ luôn miêng: cuối phiên rồi bà con ơi, bán xổ hàng đồng giá nè, quýt tiêu, vú sữa 15.000 đồng một ký.
Ông Minh, vẫn còn mặc áo công nhân ngành điện lực ở Thủ Đức, chạy chiếc xe máy ào tới, rướn người nhặt 2kg quýt, ném vội vào giỏ của Nhân 30.000 đồng, rồi lại vội vã chạy tới các điểm khác để gom thêm.
Công nhân, người thu nhập thấp, các quán cơm bình dân, người bán xe đẩy chiếm số đông tới chợ sỉ để gom hàng giá lẻ.
Cũng như các chợ đầu mối nông sản khác trên địa bàn TP.HCM, hoạt động vào các khung giờ từ 21 giờ tối ngày hôm trước đến 4 – 5 giờ sáng ngày hôm sau. Nhưng gần đây, chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức nghĩ ra kế để cho tiểu thương bán hàng kéo dài tới 11 giờ trưa. Các tiêu thương bán hàng giá sỉ không hết vào ban đêm, qua sáng hôm sau, họ lại đem ra các trục đường xung quanh chợ bán lẻ cho người dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, tiểu thương bán rau ở khu B, hầu hết rau củ quả bán lẻ đến sáng hôm sau là hàng sỉ “rớt” lại trong đêm. Trước đây, khi chợ chưa cho bán lẻ, các tiểu thương thường phải để hàng tại vựa qua đêm hôm sau. Do là hàng tươi sống, nên tỷ lệ hư hỏng, thất thoát khá lớn. Trước thực tế này, các tiểu thương đề nghị ban quản lý chợ kéo dài thêm thời gian bán hàng đến hết buổi sáng, để người tiêu dùng có cơ hội mua được giá rẻ.
“Để hàng lại một đêm cũng hư hỏng, thôi đành linh động bán rẻ cho người dân sẽ tốt hơn!”, ông Nhân nói. Trung bình mỗi đêm, vựa của ông Nhân nhập vào, bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ hơn 10 tấn rau củ, nhưng ngày nào cũng rớt lại hai ba trăm ký, và ông phải tiếp tục đứng bán lẻ đến 11 giờ trưa mới hết hàng.
Một góc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: Zing
So với chợ lẻ, đa số hàng nông sản bán “quá giờ đêm” ở chợ Tam Bình đều có giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng phân nửa, thậm chí 1/3. Dù giá rẻ, nhưng khảo sát thấy chất lượng hàng không quá tệ. 1 ký hành tím, tỏi xuất xứ Sóc Trăng, Phan Rang giá chợ lẻ 50.000 – 60.000 đồng, mua ở chợ Tam Bình chỉ có 25.000 đồng. Giá cải bắp, súp lơ, su hào, tỏi, ớt, hành lá, cũng đúng nghĩa như tiểu thương nói: “bán vét được đồng nào hay đồng đấy, để lại cũng bỏ đi”.
Vì rẻ, nên người dân ở khắp nơi, không cứ là các hộ gia đình, mà ngay cả các quán ăn, người bán xe đẩy… cũng “canh me” chờ tới độ trưa để gom hàng.
Chị Thanh Thuỷ, ngụ tại đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức cho biết, từ nhà chị đến chợ gần 5km, dù làm việc văn phòng trong quận 1 vào lúc 8 giờ sáng hàng ngày, nhưng đều đặn mỗi tuần chị đi chợ đầu mối Thủ Đức hai lần, một vào sáng thứ ba hoặc thứ tư, một vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật. Còn bà Minh, chủ một quán cơm sinh viên (đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức) cho hay, quán cơm của bà tiết kiệm kha khá tiền rau củ kể từ ngày chợ Tam Bình mở cửa bán lẻ.
“Phần ăn của sinh viên chừng 15.000 – 20.000 đồng, nên phải tìm hàng rẻ. Từ nhà tui ra chợ đầu mối mất chừng 15 phút, tui cứ chờ tới khoảng 10 giờ trưa chạy ào xe ra đây, gom một vòng là có đủ thứ, vừa rẻ, vừa nhanh!”, bà Minh nói.
Không chỉ chợ Tam Bình, ngay cả chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và Hóc Môn cũng đang cho hoạt động bán lẻ khá sôi động. Tại những nhà lồng bán thịt gia súc ở chợ Bình Điền, hàng ngày có khá nhiều gian hàng bán thịt heo hoạt động đến 9 – 10 giờ sáng. Khách đến chợ sau 6 giờ sáng phần đông là khách mua lẻ. Ở hai khu chợ này, các tiểu thương cũng bán lẻ hàng rớt lại trong đêm cho người dùng, cách này đang giải quyết khá tốt hàng tồn đọng.
“Mua lẻ ở chợ sỉ để… tiết kiệm”
Bà Luyến, công nhân công ty may Thái Bình (Dĩ An, Bình Dương), nói từ khi chợ đầu mối cho bán lẻ hàng hoá, hầu hết công nhân thuê phòng trong dãy trọ cùng với bà tới đây gom hàng. Do ngày thường phải đi làm, nên bà và những công nhân sống cách chợ hơn 1km phải đi vào các sáng chủ nhật.
Theo bà Luyến, giá các loại rau, củ, trái cây ở đây chỉ bằng nửa hoặc 1/3 so với chợ lẻ.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức những ngày cuối năm luôn đông đúc, nhộn nhịp.
“Cam, quýt, vú sữa… chưa tới 20.000 đồng/kg, trong khi chợ lẻ là 25.000 – 30.000 đồng. Ở cùng phòng với tui có thêm bốn người nữa, trước đây bữa ăn hết 20.000 đồng tiền rau, nhưng nay số tền đó đem mua ở chợ đầu mối ăn được ba bữa!”, bà tính toán.
Công nhân, người thu nhập thấp, các quán cơm bình dân, người bán xe đẩy chiếm số đông tới chợ sỉ để gom hàng giá lẻ. Ông Đức, tiểu thương bán trái cây ở khu A chợ Tam Bình, khẳng định việc chợ đầu mối bán giá quá rẻ đã thu hút người dân trong vòng bán kính ít nhất là 5 – 10km tới chợ.
Để kiểm chứng, trong buổi sáng chủ nhật, chúng tôi thử khảo sát chợ lẻ Việt Lập (Dĩ An, Bình Dương) cách chợ Tam Bình khoảng 2km. Tuy nằm “gọn lỏn” giữa khu công nghiệp Linh Trung, Bình Đường và Dĩ An, lượng công nhất rất lớn, nhưng ngày mua sắm cuối tuần ở chợ Việt Lập lại khá thưa thớt.
Chị Thuỷ, tiểu thương bán rau ở ngay đầu chợ, nhận xét từ ngày chợ Tam Bình cho bán lẻ thì chợ Việt Lập ế ẩm. Theo chị Thuỷ, công nhân thu nhập thấp, bếp bênh, họ phải lựa chọn nơi nào bán rẻ nhất. Dù giá rau củ ở Việt Lập đã rẻ hơn các chợ khác, nhưng so với ở chợ đầu mối Tam Bình vẫn còn cao hơn, nên công nhân thường lui tới đây gom cho tiết kiệm.
“Bây giờ tủ lạnh giá cũng rẻ, mỗi phòng ba bốn công nhân mua một cái tủ, một tuần họ ra chợ đầu mối mua rau củ quả một lần, trữ lại ăn cho cả tuần, rẻ hơn nhiều so với mua ở chợ lẻ”, Chị Thuỷ tâm sự.
Tiểu thương ở nhiều chợ lẻ lân cận cũng than ế do chợ Tam Bình và các chợ đầu mối khác hút hết khách hàng. Với khoảng cách tại các chợ đầu mối về đến các chợ lẻ trong trung tâm thành phổ dao động từ 7 – 20km, nhưng giá hàng thường tăng tới 60 – 75%, nên người dùng phải tìm đến nơi nào có bán hàng rẻ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.