5 quận hết hộ nghèo
Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTBXH) thành phố Hà Nội mới đây cho thấy tác động của Chương trình Mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo rất hiệu quả. Chương trình đã góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của thành phố tính đến hết năm 2018 còn 1,16%.
Đến thời điểm này, Hà Nội có 5 quận là: Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ không còn hộ nghèo. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Đáng mừng là, phần lớn các hộ được hỗ trợ về nhà ở đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Nhờ được học nghề mà gia đình bà Đặng Thị Bình ở xã Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội) đã tự tin sản xuất rau hàng hóa, thoát nghèo và có thu nhập khá. Ảnh: Thuỳ Anh
Đơn cử như tại huyện Ba Vì, cùng với các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ, thành phố, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của các doanh nghiệp, tổ chức và sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Bà Bùi Thị Kiên (ngoài 80 tuổi) ở thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh rất phấn khởi bởi ngôi nhà ngói dột nát trước kia của gia đình nay đã được thay thế bằng mái tôn giá trị hơn 180 triệu đồng.
Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu cho biết: Căn nhà của bà Kiên được hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình giảm nghèo bền vững, cùng với đóng góp của bà con họ hàng và doanh nghiệp hảo tâm đóng trên địa bàn, gia đình bà Kiên đã có căn nhà khang trang để ở, sinh hoạt thuận tiện hơn trước.
Hay như tại quận Thanh Xuân, nhờ làm tốt công tác giảm nghèo mà tới nay toàn quận không còn hộ nghèo. Thực tế, trước quá trình đô thị hóa mạnh, dân số tăng nhanh và biến động liên tục, để “xóa” hộ nghèo đối với quận Thanh Xuân không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Theo rà soát, từ đầu năm 2018, quận còn 46 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo. Thành phố giao chỉ tiêu giảm 5 trong tổng số 46 hộ nghèo, song với quyết tâm cao, có cách làm sáng tạo quận Thanh Xuân đã hoàn thành vượt chỉ tiêu.
Cụ thể, quận đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giảm nghèo cùng các đoàn thể chính trị của các phường để rà soát, đánh giá lại hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo của từng hộ. Qua rà soát cho thấy, hầu hết hộ nghèo trên địa bàn quận có hoàn cảnh đặc biệt như: Có người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người mắc tệ nạn xã hội, hộ người già cô đơn, không còn sức lao động... Trên cơ sở đó, quận, phường và tổ dân phố đã xây dựng các phương án giảm nghèo đối với từng hộ gia đình và chia thành các nhóm để có giải pháp trợ giúp trực tiếp và lâu dài, phù hợp với nhu cầu của các gia đình.
Ông Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Quận ưu tiên thực hiện các giải pháp mang tính bền vững, khuyến khích tinh thần, ý chí tự vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo của các hộ. Cùng với sự chung tay của cộng đồng, chính quyền các cấp đã tặng xe máy làm phương tiện vận chuyển; hỗ trợ các điểm bán hàng cố định, cho vay vốn, tặng máy khâu, máy vắt sổ cho các gia đình có phụ nữ làm trụ cột. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ việc sửa chữa quần áo, thuê xe ôm, mua hàng ở những địa chỉ này. Qua đó, đã giúp các hộ nghèo có nguồn thu nhập hằng ngày và dần ổn định cuộc sống.
“Nhờ những giải pháp cụ thể và quyết liệt, đến hết tháng 11/2018, quận Thanh Xuân không còn hộ nghèo, trong đó có 14 hộ thoát hẳn nghèo, 32 hộ chuyển sang hộ cận nghèo”, ông Trang cho biết.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, một trong những vấn đề nan giải của Hà Nội là giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Khuất Văn Thành – Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính do năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng dân tộc thiểu sốcòn hạn chế. Đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi, chế độ chính sách cho đội ngũ này cũng chưa được quan tâm đúng mức… Để khắc phục tình trạng này, Sở đã tập trung các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 138 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách thuộc chương trình giảm nghèo bền vững nói riêng. Từ đó có chính sách giảm nghèo kịp thời, hiệu quả với vùng đặc thù này.
Không chỉ gặp khó khăn về đội ngũ cán bộ, mà nhiều mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo trên địa bàn cũng chưa được triển khai. Bà Trần Thị Phương Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phốcho biết, đến năm 2020, thành phố dự kiến đầu tư 224 dự án, nhưng đến nay các dự án hoàn thành đạt rất thấp. Đơn cử, trong lĩnh vực y tế dự kiến có 7 dự án nhưng mới thực hiện được 1 dự án; trường học 35 dự án, mới thực hiện được 19; thủy lợi 56 dự án thì mới thực hiện được 9…
Với tiến độ này, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình vào năm 2020 là rất khó. Vì vậy bà Hoa cho rằng, cần xem lại tính hiệu quả đối với việc triển khai các mô hình giảm nghèo…
Để tiếp tục tăng lực cho hoạt động giảm nghèo bền vững, tháng 7/2019, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.
“Giai đoạn 2016-2018, thành phố Hà Nội đã giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào cuối năm 2018, về đích trước hai năm so với kế hoạch đề ra. Mục tiêu đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo là hoàn toàn khả thi”, ông Khuất Văn Thành cho biết.
|
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.