Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời của chợ nông sản di động
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, thời gian qua, để giảm thiểu tác động xấu của tình hình dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chủ động tìm tòi các giải pháp, sáng kiến độc đáo thích ứng với bối cảnh mới.
Điều này thể hiện ngay khi nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể, chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống ở các đô thị lớn bị ảnh hưởng, các HTX đã thay đổi phương thức cung ứng bằng cách: Cùng lúc nhiều HTX sản xuất các mặt hàng thực phẩm khác nhau liên kết lại với nhau tạo nên một nhóm các HTX cùng đi bán hàng, chuyển hàng đến tận các toà nhà chung cư, khu đô thị, cơ quan doanh nghiệp lớn.
Đây thực chất là các chợ nông sản, thực phẩm di động. Đồng thời, các HTX cũng chủ động giảm giá bán sản phẩm khoảng 20% để kích thích tiêu dùng, tạm thời chấp nhận kinh doanh không lấy lãi với mục đích chính là tiêu thụ được hàng cho nông dân, xây dựng uy tín, thương hiệu và tạo một lượng khách hàng quen thuộc, lâu dài cho HTX.
Công nhân sản xuất nấm tại một HTX dịch vụ nông nghiệp ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
Đi đầu trong việc triển khai các chợ nông sản thực phẩm di động này có thể kể tới HTX Tâm Anh (Phú Xuyên); HTX Vân Nội (Đông Anh); HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ)... Ông Hoàng Văn Khải - Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho hay: Trước đây, trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường Hà Nội 7 - 9 tạ rau các loại. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, thay vì cung cấp trực tiếp cho các trường học, doanh nghiệp, HTX đã chuyển sang tiêu thụ tại các điểm bán hàng bình ổn giá ở các khu chung cư.
Còn bà Phạm Thị Lý - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho hay: Hiện, 100% sản phẩm rau của HTX đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc. Để ứng phó với những khó khăn bởi dịch bệnh, HTX đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản, các công ty phân phối, như: Chuỗi cửa hàng Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thủ đô… nên mức tiêu thụ vẫn được duy trì.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
Là một trong những đơn vị phân phối các mặt hàng nông sản số lượng lớn của Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart) chia sẻ: Công ty đã liên kết với các HTX nông nghiệp của huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai… để nhập hàng, vừa bảo đảm nông sản thực phẩm đạt chất lượng bán cho người dân, vừa góp phần giúp nông dân, các HTX duy trì sản xuất.
Trong năm 2020, Sở NNPTNT sẽ phối hợp với Liên minh HTX thành phố hỗ trợ thành lập 50 HTX tại các xã xây dựng NTM và NTM nâng cao; đồng thời, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình khuyến nông, xây dựng NTM”. Ông Chu Phú Mỹ |
Hà Nội hiện là địa phương có số lượng HTX nhiều nhất cả nước với 1.942 HTX, 13 liên hiệp HTX và 1.493 tổ hợp tác. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể ứng phó dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể - nòng cốt là HTX, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo ông Mỹ, để thực hiện được các giải pháp nêu trên, thành phố yêu cầu sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách; nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả.
Các đơn vị cũng phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, tiếp tục rà soát, bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế HTX.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.