Nợ hàng trăm triệu đồng
Đó là thực tế đang xảy ra tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Khi người dân ở đây vay vốn để xây dựng mô hình kinh tế đáp ứng tiêu chuẩn để xã về đích NTM. Họ làm với hi vọng sẽ phát triển kinh tế lại vừa được hỗ trợ, tuy nhiên khi làm xong, đơn vị nghiệm thu công trình lại cho rằng không đạt bởi không đúng kỹ thuật, khiến người dân ôm nợ.
Do bể biogas của đơn vị cung ứng lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, hộ bà Nguyệt ôm nợ cả trăm triệu đồng.
Bà Đào Thị Nguyệt, ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài cho hay: “Sau khi được vận động vào tổ hợp tác (THT) chăn nuôi nhỏ và vừa tại địa phương. Đầu tháng 3.2016, gia đình tôi đăng ký làm mô hình chăn nuôi 50 con lợn có bể biogas theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến tháng 7.2016, tôi thả lứa lợn đầu tiên, đến thời điểm bán thì xã đề nghị để vậy để đoàn về kiểm tra và nghiệm thu".
Theo lời kể của bà Nguyệt, lúc đến vận động gia đình vào THT, bà được hứa hẹn sẽ nhận hỗ trợ một phần kinh phí. Để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, gia đình bà đã phá bỏ chuồng cũ, vay mượn tiền để xây dựng chuồng mới. Họ hứa sẽ có tiền hỗ trợ nhưng giờ lại không có, đến nay số tiền nợ của gia đình đã hơn 200 triệu đồng”.
Còn anh Đào Văn Giáp, thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài nói: “Tôi đã vay ngân hàng 150 triệu để xây dựng chuồng trại nuôi 100 con lợn sau khi vào THT. Hiện tại số tiền nợ ngân hàng để làm chuồng trại và nợ con giống của tôi đã hơn 300 triệu đồng. Lúc đầu thì họ nói ngân hàng hỗ trợ 2 năm lãi suất nhưng được một năm thì chúng tôi không được hỗ trợ nữa. Thời điểm tôi làm chuồng trại cán bộ xã, huyện luôn đến kiểm tra và động viên. Quá trình làm mọi thứ đều theo hướng dẫn kỹ thuật của cấp trên chứ tôi không tự làm bất kỳ một hạng mục nào cả”.
Hoàn cảnh của chị Đào Thị Dung ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài càng khốn khổ hơn, là hộ nghèo, chồng bị tai nạn lao động, con trai đầu bị tật bẩm sinh không thể đi lại nên cuộc sống gia đình khó khăn. Đầu năm 2016, chị Dung được vận động vào THT chăn nuôi vừa và nhỏ với lời hứa sẽ được hỗ trợ.
“Lúc đó gia đình quá khó khăn tôi không muốn vào nhưng họ hứa nếu vào THT sẽ được hỗ trợ mỗi con giống 750.000 đồng, họ sẽ bao tiêu sản phẩm cho. Vì hoàn cảnh nên tôi cũng hi vọng vào THT để gia đình cải thiện cuộc sống. Nhưng sau khi làm xong chuồng trại thả lợn nuôi đến nay tôi chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào cả. Để có tiền xây dựng chuồng trại tôi phải đi vay ngân hàng 50 triệu đồng. Sau khi thả nuôi hai lứa bị thua lỗ, nợ nần chồng chất nên hiện nay tôi không thả lợn nữa. Suốt ngày người ta đến hỏi tiền con giống và thức ăn nhưng tôi chưa có trả”-chị Dung nói.
Chỉ chia sẻ với người dân?!
Theo phản ánh của người dân, quá trình làm chuồng trại luôn có cán bộ xã, huyện đến kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn. Nhưng nhiều hộ dân chờ mãi không được nhận tiền hỗ trợ đi hỏi mới vỡ lẽ mô hình không đạt vì bể biogas chưa đạt chuẩn?!
Chị Dung (trái) bức xúc vì vào THT phải gánh nợ
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Trương Quang Anh – Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho hay: “Khi người dân làm hồ sơ để làm mô hình, xã và huyện nói có hỗ trợ. Nhưng khi làm xong không đạt do bể biogas không đạt tiêu chuẩn nên chưa được hỗ trợ. Việc người dân đang mang nợ như phản ánh là có, chúng tôi cũng rất chia sẻ với người dân. Ở đây cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nay tôi đang yêu cầu các cán bộ chuyện môn phụ trách báo cáo giải trình để làm rõ trách nhiệm của từng người”.
Ông Anh cho biết thêm: “Thạch Đài xây dựng NTM do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đỡ đầu và quá trình xây dựng mô hình đơn vị này giới thiệu công ty chăn nuôi về liên kết với người dân, đồng thời giới thiệu đơn vị cung ứng bể biogas cho các hộ”.
Ông Nguyễn Văn Sáu-Trường Phòng NNPTNT huyện Thạch Hà giải thích: “Tại xã Thạch Đài, năm 2016, nơi đây bắt đầu triển khai mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đỡ đầu. Có lẽ, trong quá trình thực hiện, Hội phụ nữ có giới thiệu Công ty Gia Bảo Lê có trụ sở tại Quảng Bình liên kết chăn nuôi. Thời gian qua Hội phụ nữ tỉnh đã cộng tác và thấy được hiệu quả của Công ty này nên họ mới giới thiệu về xã Thạch Đài".
"Có thể trong quá trình làm họ đưa mẫu biogas ở địa phương khác về áp dụng tại Thạch Đài nên không đúng chuẩn. Do vậy sau khi làm bể biogas không đạt nên nhiều hộ dân không thể nghiệm thu. Sau khi sự việc xảy ra, huyện đã đề nghị xã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ dân 5 triệu còn kinh phí để hỗ trợ cho người dân đưa là không có”- ông Sáu nói.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Thạch Hà, hiện, trên địa bàn toàn huyện có 49 hộ dân thuộc các THT trên địa bàn làm mô hình nhưng không được hỗ trợ bởi không đảm bảo được quy định về khoảng cách chuồng trại với các công trình khác và tiêu chuẩn bể biogas. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.