Nằm khuất sau vài căn nhà ngói kiên cố là ngôi nhà lụp xụp của bà Thái Thị Sáu (thôn Đập Lã, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Sinh ra trong một gia đình bần nông, lại đông anh chị em nên cả nhà phải chịu cảnh đói kém quanh năm. Mẹ mất khi bà chưa tròn tuổi, bố cũng mất từ lâu. Chồng chết hơn chục năm trước trong một vụ mâu thuẫn. Không có con, bà sống một mình.
Điều oái ăm là bà bị bệnh viêm đa khớp lâu năm. Hai đầu gối khô hẳn dịch, hầu như không đi lại được, giơ lên giơ xuống cứ kêu lóc cóc, khớp khô khốc. Trong gian nhà khoảng 20m2, không có vật dụng gì quý giá ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ. Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn đó là dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng hàng chục năm nay bà vẫn phải đi nhờ vệ sinh của nhà hàng xóm, đi xin từng gánh nước về sinh hoạt.
Không có hệ thống nước sạch, bà Tới phải hứng nước mưa để sinh hoạt. Ảnh: QN
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, bà Sáu rưng rưng: “Tôi sống cũng không được bao lâu nữa, hiện, sức khỏe đã yếu hẳn, đi lại khó khăn. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn có được cái nhà vệ sinh và bồn đựng nước sạch để hàng ngày không phải làm phiền đến bà con, hàng xóm. Đêm hôm tôi gọi cửa để nhờ, vất vả cho chòm xóm lắm”.
Cách nhà bà Sáu không xa là căn nhà rách nát của bà Ngô Thị Tới ( 85 tuổi, thôn Tự Cường, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc). Ngôi nhà lọt thỏm cuối xóm.
Bà Ngô Thị Tới sống cùng con gái bị bệnh đa khớp trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng
Bà Tới chia sẻ: “Chồng tôi mất cũng được 15 năm rồi, một mình tôi nuôi đứa con trai tâm thần và con gái bị bệnh đa khớp. Con trai tôi cũng qua đời vì bệnh tật. Bây giờ, tôi và con gái ở với nhau. Hai mẹ con nương tựa vào nhau. Căn nhà này xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, nắng còn đỡ chứ mưa xuống là nước xối trong như ngoài. Nhiều đêm, hai mẹ con tôi không có chỗ nằm vì chăn màn, giường chiếu ướt hết”.“Tôi thì cũng không sống được bao lâu nữa, nhưng còn con gái tôi, nếu lỡ tôi làm sao không biết ai sẽ chăm sóc. Nước sạch để sinh hoạt không có. Chúng tôi cứ trông trời mưa để hứng nước mưa dùng, nhà vệ sinh cũng không, nghĩ mà thương con” - bà Tới nấc lên không thành tiếng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Sơn Lộc, không chỉ riêng hoàn cảnh của bà Sáu, bà Tới đang sống lay lắt trong cảnh “không nước sạch, không nhà vệ sinh” mà còn một số hoàn cảnh khác như bà Lý Thị Tùy (52 tuổi, thôn Tự Cường, xã Sơn Lộc); bà Nguyễn Trí Tẻo (thôn Nam Sơn, xã Sơn Lộc); bà Thái Thị Thỉ (thôn Trung Sơn)...
Bà Nguyễn Trí Tẻo (thôn Nam Sơn, xã Sơn Lộc) sống một mình trong ngôi nhà cô quạnh, không nước sạch, không nhà vệ sinh. Ảnh: QN
Bà Thái Thị Thỉ (thôn Trung Sơn, xã Sơn Lộc) bị tật bẩm sinh, không đi lại được. Năm nay bà Thỉ đã 62 tuổi, một mình côi cút trong căn phòng nhỏ, sống qua ngày nhờ ít tiền trợ cấp người tàn tật. Không chỉ bị liệt mà bà còn đau ốm thường xuyên nên mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm táp, nấu ăn... đều phải dựa vào hàng xóm giúp đỡ. Bà cũng như hoàn cảnh của những cụ già neo đơn khác, ốm đau, bệnh tật sống dựa vào tiền trợ cấp của xã hội. Do vậy, bà không thể nào tự xây được nhà vệ sinh, không có nước sạch để sinh hoạt.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Thân Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc phân trần: “Trong xã có 5 trường hợp như bà Sáu, bà Tùy… thuộc diện khó khăn của xã. Hiện, những trường hợp này đang được hưởng trợ cấp. Chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ mỗi hoàn cảnh 2,5 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh, sẽ hoàn thành trước Tết âm lịch này thôi (?)”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.