Nằm cạnh con đê sông Vàm Cỏ thuộc xã Long Hựu Tây (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), mảnh đất 1ha của bà Sầm Thị Nhung nhiễm phèn, mặn nặng.
Phá sản
Bà Nhung giữa rẫy khóm đang "ngất xỉu" trước hạn, mặn kỷ lục
Nhiều năm trồng lúa không hiệu quả, bà Nhung thử nghiệm trồng một số loại cây khác nhưng không cây trồng nào thích nghi được với vùng đất này.
Cuối cùng, bà quyết định trồng cây khóm (dứa) – một loại cây “nồi đồng, cối đá” chịu phèn, hạn và mặn khó có cây nào tốt hơn.
Mất 2 năm cải tạo đất bà mới giúp cây khóm đứng nổi trên mảnh đất khắc nghiệt này. Những vụ thu hoạch khóm dù trọng lượng trái rất khiêm tốn cũng tới với bà.
Hôm chúng tôi đến đúng vào lúc bà Nhung đang cho thu hoạch khóm. Mất buổi sáng bà Nhung chỉ thu hoạch được hơn 100 trái. Những trái khóm bị hạn, mặn toe tóp.
“Mỗi năm tôi thu hoạch 4 vụ khóm. Mỗi vụ bán được 5 – 6 triệu đồng”, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, mùa hạn mặn khốc liệt năm nay đang tác động mạnh đến vườn khóm của hai hộ đang trồng khóm tại đây, trong đó có bà Nhung. Vườn khóm 1ha của anh Nghĩa – một hộ canh tác cạnh đất bà Nhung, đã gần như chết hoàn toàn.
Trong khi đó, thiếu nước vườn khóm của bà Nhung cũng đã ngả nghiêng, nhiều cây lá đã chuyển sang đỏ quạch hoặc khô khốc cho trái bằng nắm tay.
“Hạn hán gì mà khủng khiếp. Cây khóm thường không phải tưới nước, trần mình suốt mùa nắng vẫn sống tốt, vậy mà gặp cơn hạn này cũng phải đổ gục”, bà Nhung bộc bạch.
Theo bà Nhung, cả xã, cả huyện này chỉ có hai hộ trồng khóm thích ứng với hạn mặn. Giờ, sau cơn hạn kỷ lục này chắc chỉ còn mỗi hộ bà.
Cách đây không xa, tại xã Tân Ân, lão nông Mười Một (Ngô Văn Tráng) cũng đang nát lòng với vườn mãng cầu gai đang rũ rượi lá, cành.
Do mảnh đất gò nằm cặp sông Vàm Cỏ, chịu tác động trực tiếp khi triều cường hoặc nhiễm mặn, nên lão nông Mười Một nghĩ ra cách tháp mãng cầu trên gốc cây bình bát – một loại cây chịu ngập nước, chịu khô hạn, mặn nổi tiếng của vùng sông nước Tây Nam bộ.
Thế nhưng, bao khó nhọc của lão nông này gần như đổ sông… Vàm Cỏ khi mảnh vườn 1.000m2 mãng cầu bất lực trước mùa hạn, mặn kỷ lục này.
Do bị ngập sâu, mặn cao, kéo dài, thiếu nước… vườn mãng cầu 2 năm tuổi này cành khẳng khiu trơ trụi lá. Những chiếc lá còn lại trên cành cũng teo tóp, khô khốc.
“Đáng ra lúc này vườn mang cầu đã cho trái chiến. Nhưng chịu áp lực quá lớn của hạn mặn, xem như vườn mãng cầu mất vụ trái này rồi. Vườn mãng cầu đã mất sức rất nặng sau này muốn khôi phục cũng rất khó”, ông Mười Một buồn rầu.
Lão nông Mười Một đang đau đáu trước những cây mãng cầu khẳng khiu bị ảnh hưởng của hạn, mặn
Cả xã Tân Ân, chỉ có lão ông Mười Một tiên phong làm mô hình thích ứng hạn, mặn này. Trước đây, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nên áp dụng mô hình này đối với các vùng đất bị nhiễm phèn, ngập mặn trên địa bàn vì chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ưu tiên cây rau
Theo UBND xã Long Hựu Tây, hiện trên địa bàn xã có khoảng 300ha đất hoang hóa do phèn, mặn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hựu Tây Trương Quang Vinh cho biết, vài năm trước chính quyền xã đã xây dựng dự án trồng khóm cho nông dân trong xã sản xuất, cũng như khai phá diện tích đất hoang hóa trên địa bàn.
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cũng nhảy vào hỗ trợ cho vay vốn đối với nông dân tham gia mô hình, với số tiền 50 triệu/ha. 24 hộ nông dân trong xã đã ký cam kết tham gia dự án và nhận vốn vay từ Ngân hàng CSXH.
Tuy nhiên, mô hình này đã phá sản ngay sau đó do nông dân không chịu được mức độ nhọc nhằn khi trồng cây khóm; đất đai nhiễm phèn, mặn nặng…
“Tôi không biết bây giờ còn có thể triển khai lại dự án trồng khóm được nữa không”, ông Vinh phân vân.
Những trái khóm do bị hạn mặn sắp thu hoạch chỉ lớn hơn nắm tay.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có một số mô hình cây trồng thích ứng với hạn, mặn do nông dân tự phát làm.
“Về việc triển khai cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, đối với vùng hạ Long An, như: Cần Giuộc, Cần Đước, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung đầu tư cho cây rau màu nhằm tận dụng cây ngắn ngày và tưới tiết kiệm nước”, ông Thiện thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.