Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến
Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Theo ông, kết quả ấn tượng nhất của việc thực hiện chiến lược là gì?
- Sau 10 năm triển khai, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4,5 - 5%, giai đoạn 2016 - 2018 đạt trung bình 6%/năm.
Kết quả trên cũng đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm.
Cũng trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần; trứng tăng 2,3 lần; sữa tươi tăng 3,6 lần; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay ngành chăn nuôi đã cơ bản cung cấp đủ cho thị trường trong nước các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu.
Riêng năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn (thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,1 triệu tấn, các loại khác 0,5 triệu tấn) tương đương 37,8 triệu tấn thịt xẻ. Như vậy, so với mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2020, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,8 triệu tấn (5,5 triệu tấn thịt xẻ) khó đạt được.
Ngành chăn nuôi thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trong thời gian qua. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thịt lợn tiêu chuẩn châu Âu của Masan. (Ảnh tư liệu) P.V
4 đề án liên quan đến các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện thời gian tới gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý nhà nước đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi thú y.
|
Diễn biến thị trường, dịch bệnh thời gian qua cho thấy, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn. Vậy, mục tiêu đề ra cho ngành chăn nuôi giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?
- Trong dự thảo đề án phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Bộ NNPTNT đặt ra các mục tiêu như sau: Đến năm 2030, sản lượng thịt xẻ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 60 - 62%. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, thịt heo còn dành xuất khẩu với tỷ trọng chiếm 15 - 20%. Để đáp ứng được mục tiêu này, sẽ chuyển dần sang chăn nuôi heo với các giống lợn cao sản theo hướng trang trại công nghiệp.
Để tránh các bài học dịch bệnh như từng xảy ra, dự thảo đề xuất giải pháp: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2030 có ít nhất 20 vùng cấp huyện; triển khai xây dựng bản đồ dịch tễ đối với những loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới. Đẩy mạnh sản xuất các loại vaccine, chế phẩm thuốc thú y trong nước có thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi…
Tuy vậy, những thách thức cho giai đoạn tới không hề nhỏ, khi áp lực gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, nhất là quá trình hội nhập sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 cần bảo đảm việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, tạo lập môi trường bình đẳng, công bằng cho tổ chức cá nhân tham gia đầu tư các lĩnh vực của ngành về chăn nuôi; xây dựng định hướng lộ trình, giải pháp đồng bộ phù hợp để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai trong quá trình thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn về tích tụ đất đai, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng quy mô trang trại chăn nuôi khép kín và an toàn. Bên cạnh đó có các chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến và liên kết các doanh nghiệp chăn nuôi trong chuỗi giá trị.
Bộ NNPTNT cũng đề ra 13 nhóm giải pháp cần tập trung và triển khai đồng bộ, trong đó Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo đó, định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi trong giai đoạn 2020-2030 về chăn nuôi lợn sẽ duy trì quy mô khoảng 29 - 30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400 - 450 triệu con; chăn nuôi trâu, bò ổn định từ 2,4 - 2,6 triệu con; chăn nuôi dê cừu ổn định từ 4 - 4,5 triệu con… Đến 2040, phấn đấu ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thực trạng của ngành chăn nuôi vẫn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Vậy làm thế nào để hóa giải thách thức này, thưa ông?
- Xét một cách tổng thể, đúng là quy mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình. Đây chính là điều kiện để các loại dịch bệnh phát sinh. Mục tiêu của giai đoạn tới là tăng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc để cân bằng lại rổ thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn, tháo gỡ từng vướng mắc để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.
Chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút thêm đầu tư vào ngành chăn nuôi. Năm 2019, riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có 17 dự án đầu tư của doanh nghiệp với tổng giá trị 20.000 tỷ đồng; trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Masan, TH Milk, De heus… để tạo ra sự chuyển biến lớn.
Doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định sức cạnh tranh của ngành hàng cho nên tới đây chúng ta cần có thêm những chính sách bổ sung như: Trong Luật Đất đai phải có đất cho chăn nuôi vì quy mô chăn nuôi trang trại hiện nay rất lớn. Vì vậy, cần cụ thể hơn với ngành chăn nuôi, thậm chí phải phù hợp với từng vùng miền như: Đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.