Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, kể từ khi Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam do không đáp ứng các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), đến giờ đã hơn 2 năm và khẳng định là trong 2 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, các tỉnh thành đã vào cuộc rất quyết liệt.
"Đợt kiểm tra của EC mới đây là lần kiểm tra thứ 2. Qua đánh giá sơ bộ, cho thấy chúng ta đã nỗ lực rất lớn, với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Theo đó, đoàn kiểm tra của EC đã đi kiểm tra ở Kiên Giang cùng với đại diện Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản... Phải thừa nhận rằng trong 2 năm qua chúng ta không bị rút thẻ đỏ, vẫn duy trì thẻ vàng là một việc đáng ghi nhận và điều này đã được đoàn thanh tra đánh giá rất cao", Thứ trưởng Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết việc khắc phục thẻ vàng IUU đã có nhiều kết quả khả quan.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tại buổi kiểm tra, EC đánh giá hệ thống kỹ thuật hạ tầng của chúng ta đã đồng bộ với tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu, Việt Nam đang đi đúng hướng, thời gian thực thi pháp luật ngắn nhưng cơ bản đảm bảo tính răn đe. Đặc biệt là EC đánh giá Việt Nam rất minh bạch, chủ động, công khai các thông tin. Tuy nhiên họ cũng khẳng định vẫn còn nhiều cái phải điều chỉnh.
Trên cơ sở đó, EC đã có văn bản đánh giá chính thức và hẹn tới ngày 5/5/2020 sau khi phía Việt Nam có báo cáo, họ sẽ có 1 đợt kiểm tra nữa.
Trong buổi làm việc với EC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã phân tích những điểm Việt Nam tích cực thực hiện và đề nghị EC giảm nhẹ mức phạt. Tuy nhiên, EC cũng đề nghị: Nếu còn vi phạm sẽ không thẻ rút thẻ vàng.
"Phải thừa nhận là thực tế chúng ta còn vi phạm, vừa rồi có 68 tàu vi phạm. Chúng tôi cũng đã đề nghị EC thông cảm vì vùng biển của chúng ta kéo dài, phức tạp, nhiều vùng biển tranh chấp và 68 tàu vi phạm nói trên đều là tàu khai thác ở vùng đang có tranh chấp", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, Thứ trưởng Tiến cho biết việc thực hiện rất khó khăn vì không phải chỉ truy xuất ở cơ sở sản xuất mà từ tàu đánh bắt về tới cảng, cơ sở chế bến, bao gồm cả hải sản nhập khẩu. Trong khi đó, việc thực thi pháp luật thời gian còn rất ngắn, việc xử phạt phải tiến hành đồng bộ giữa các tỉnh chứ không thể mỗi tỉnh áp dụng một hình thức xử phạt khác nhau với cùng 1 hành vi.
Về quản lý tàu cá, triển khai lắp hệ thống thông tin định vị trên tàu cũng còn nhiều hạn chế và tới đây, chúng ta phải lập danh sách những tàu có nguy cơ cao để theo dõi. EC cũng thẳng thắn nói rằng số liệu kiểm tra ở Kiên Giang đã cho thấy những nỗ lực rất tích cực, nhưng đó mới chỉ là số liệu gần đây, tính bền vững chưa cao nên họ sẽ tiếp tục kiểm tra các tỉnh khác.
Để khắc phục hiệu quả tình trạng vi phạm quy định IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Để giải quyết căn cơ cả trước mắt và lâu dài, phải thấy rõ những yếu kém của ngành thuỷ sản chúng ta. Thứ nhất, về tình trạng cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém. Ví dụ, hiện chúng ta có 146 cơ sở tránh thú bão thì mới thực hiện được 60%; các bến bãi, cơ sở hạ tầng cảng cá còn yếu kém. Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã thừa nhận hạ tầng thuỷ sản Việt Nam còn rất nhếch nhác. Hay như ở Bến Tre, tại bến cảng có 4 cột thì 3 cột bị gỉ sét".
Việt Nam có vùng biển rất rộng lớn với đội tàu mạnh nhưng chưa ngăn chặn được tàu vi phạm. Đội tàu quá đông nhưng thô sơ, bảo quản rất kém, thất thoát sau thu hoạch từ 15 – 40%. Đội ngũ cán bộ thuỷ sản, kể cả lao động giản đơn lẫn chất lượng cao thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, một số tỉnh thành cũng chưa quan tâm đúng mức tới ngành thuỷ sản trong một thời gian dài.
"Để đợt kiểm tra sau của EC có kết quả hơn, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ triệu tập họp thông báo kết luận để triển khai khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Nhưng tôi khẳng định công tác tuyên truyền là rất quan trọng để tất cả các bên tham gia hiểu rằng, quy định pháp luật cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm. Chúng tôi xin khẳng định, 8 tỉnh còn vi phạm thì sẽ phải cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT chấm dứt ngay vi phạm thì chúng ta mới có thể tháo gỡ được thẻ vàng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.