Nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả
Lâu nay ở miền núi, đối tượng của sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là ngô, sắn, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ ở từng gia đình. Cây lâm nghiệp nhiều nhất là bạch đàn và keo nên nhìn chung kinh tế vẫn ở dạng tự túc, tự cấp. Tỷ lệ vươn lên giàu không cao. Tuy nhiên, miền núi có nhiều thế mạnh mà miền xuôi không có được.
Nếu chúng ta phát huy các thế mạnh đó lên thì miền núi có nhiều triển vọng làm ăn còn vượt cả miền xuôi. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn.
Chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Tà Lèng, TP. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hà Thuận
Trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta cũng có vô vàn cách làm để nâng cao đời sống bà con vùng cao. Hầu hết các trang trại chăn nuôi đại gia súc đều đóng ở miền núi.
Điển hình như Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Ở đây không còn người nghèo. Đa số bà con nuôi bò sữa đã thành người giàu và có rất nhiều gia đình đã thành tỷ phú.
Nếu biết cách tổ chức, biết cách làm ăn thì việc chăn nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi trâu, nuôi dê, nuôi hươu, nuôi thỏ, nuôi gà thịt, nuôi gà lấy trứng, nuôi các loài động vật quý hiếm... dễ dàng giúp bà con vùng cao vươn lên giàu có.
|
Ngay gần đây nhất, chúng ta thấy Sơn La bật lên mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh trồng cây ăn quả. Tỉnh này đã vươn lên đứng thứ hai trong cả nước về diện tích cây ăn quả với 70.000ha. Sơn La nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung còn rất nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn quả.
Xin nêu ví dụ: Nếu được làm quy củ và đưa công nghệ cao vào để tạo giống bằng phương pháp cấy mô thì các đối tượng như dứa và chuối ở các vùng núi non sẽ đủ sức đi vào thị trường thế giới một cách mạnh mẽ hơn.
Các loại quả truyền thống ở miền núi như mơ, mận, sơn tra hoàn toàn có thể chế biến để nâng thành các sản phẩm cao cấp với hương vị đặc sắc.
Cam, chanh, quýt, bưởi, nhãn, vải và quả na của chúng ta đều được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, phải cải tạo giống và cách thức sản xuất. Phải tạo được giống cam ngọt lừ mà không có hạt (như nhiều nước đã có), mở ra những vùng trồng bưởi rộng lớn theo quy mô trang trại (chứ không nhỏ lẻ từng gia đình như hiện nay), chế biến quả na thành nhiều loại sản phẩm (như kem na, mứt na...).
Các đối tượng cây ăn quả mới như chanh leo, xoài, thanh long đang được đưa mạnh vào các vùng núi non. Chúng có rất nhiều triển vọng.
Cây bơ tuy mới được đẩy mạnh trồng ở vùng núi phía Bắc nhưng cũng đầy tiềm năng. Bơ cho năng suất rất cao mà yêu cầu của thị trường lại lớn. Nếu việc bảo quản và chế biến quả bơ được nâng cao thì chúng sẽ thành một trong những đối tượng cây trồng quan trọng cho vùng này.
Người Trung Quốc rất thích mít và sầu riêng của Việt Nam. Ta nên có hợp đồng chặt chẽ với thị trường nước bạn để xây dựng những vùng chuyên canh cho các địa phương. Đưa các cây này vào miền núi là rất hợp.
“Để mắt” tới quả sấu, trám, mắc ca
Chúng tôi rất muốn các doanh nghiệp sẽ để mắt tới 2 loại quả là sấu và trám. Người Thái đã chế biến quả me thành hàng loạt sản phẩm và bán đi khắp thế giới. Nhưng quả me đâu ngon bằng quả sấu của ta. Chỉ tiếc rằng, chưa ai chế biến quả sấu ra được những loại sản phẩm hay hơn mặt hàng ô mai. Ta có thể cho chúng vào bột canh, làm thành mứt, thành kẹo, làm nước giải khát...
Người Trung Quốc đã lấy quả trám của chúng ta để làm ra một loại kẹo đạt huy chương vàng trong một hội chợ tại Nhật Bản. Nếu được quan tâm và chế biến tốt thì sấu và trám sẽ cho ra những sản phẩm rất hấp dẫn. Bà con ta lại tha hồ trồng sấu và trồng trám. Chúng ta đã thành công trong việc tạo ra các cây ghép cho sấu và trám. Chúng chỉ trồng 3 năm là đã cho quả rồi...
Đặc biệt, việc ra đời Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã đánh dấu một “mốc son” cho việc phát triển kinh tế ở vùng núi của chúng ta. Tới nay, đã có hàng trăm mô hình nông dân trồng mắc ca thành công, nhiều người thành tỷ phú.
Tôi vừa từ Điện Biên về. Tại Tuần Giáo, Công ty Vinamaca Điện Biên đã trồng được 2.000ha mắc ca trên những vùng đồi hoang hóa mà xưa nay không trồng được loại cây gì. Mắc ca lên rất đẹp. Chỉ 2 năm nữa là cây cho quả. Cây càng lâu năm càng cho nhiều quả và cho thu quả tới 50-60 năm.
Chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con ở các vùng đồi núi trồng cây sa chi, dổi ăn hạt, gai xanh... và những loại cây này cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nếu được quan tâm đúng mức tới các loài dược liệu quý, thì đó cũng sẽ là một thế mạnh cho vùng miền núi và đem lại thu nhập cao cho bà con. Theo đó ta có thể đẩy mạnh việc trồng các cây dược liệu như ba kích, hồi, thảo quả, sa nhân, sâm ngọc linh, bình vôi, trà hoa vàng...
Các đối tượng truyền thống như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu... vẫn cần được quan tâm để vượt qua các trở ngại, vươn lên thành những đối tượng cây công nghiệp mạnh của đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.