Công nghệ nuôi bò “sạch”
Chúng tôi đến nhà từ buổi sáng, quá 1 giờ chiều, mới thấy cụ Tư Hà ôm xấp giấy tờ bước chậm rãi từ đầu cổng vào nhà. Vừa thoáng thấy tôi lui cui trên võng, cụ trố mắt: “Đứa nào đó bây?”. Nghe tôi thưa đã “phục” để gặp cụ từ sáng sớm, cụ Tư cười xởi lởi: “Hồi sáng tui đi họp trên xã, nhưng khi về lại tạt luôn sang miếng đất xem tụi nhỏ dọn dẹp để trồng cỏ nuôi bò ra sao”. Nói đoạn, cụ Tư dắt tôi đi xem trại bò thịt.
Cụ Tư Hà hạnh phúc khi thấy đàn bò phát triển tốt. Ảnh: T.T
"Nông dân cần lắm những mô hình điểm thành công và thực tế để làm theo. Vì vậy, nên tính toán cẩn thận kẻo mất tiền nhà nước, mất niềm tin nông dân”.
Cụ Tư Hà
|
Từ một nơi trước là ruộng lúa bỏ hoang giờ mọc lên một trang trại bò thịt trông khá quy củ với những dãy chuồng thoáng sạch, một sân phơi tự động, hầm biogas, ao xử lý nước thải, xe cơ giới… Cụ Tư cho biết, đây là một phần đất của 5ha cụ đang sở hữu. Ngoài chuồng trại, cụ dành vài ha để trồng cỏ nuôi bò. Bò được nuôi theo quy trình sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại. Toàn bộ phân và nước thải của đàn bò được dẫn theo đường ống ngầm dưới chuồng ra 2 hầm biogas cách đó khá xa. Nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Chính vì nuôi theo phương thức đệm lót sinh học nên dù đã bước vào trại tôi vẫn không cảm giác có mùi phân của bò. Anh Út Nam (Võ Quốc Nam) – một quản lý trại cho biết, đệm lót cho bò được làm từ sơ dừa trộn lẫn với vi sinh. Sau khoảng 1 tuần sử dụng, đệm lót sẽ được thải ra làm phân để thay vào lớp lót mới.
Thức ăn của bò là thức ăn sạch, gồm hỗn hợp cỏ, cám, rơm... “Trại tự làm lấy thức ăn cho bò từ các nguyên liệu sạch. Trại mong muốn góp phần tạo ra sản lượng bò thịt đạt tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường” - cụ Tư thổ lộ. Riêng bò giống, cụ Tư lấy từ một trung tâm nhân giống bò thịt tại TP.HCM. Chủ yếu là bò siêu thịt B.B.B, Brahman… Hiện, trang trại này có gần 150 con bò thịt lớn nhỏ, trong đó có 50 con cái đang chuẩn bị sinh. Đàn bò đang phát triển rất tốt.
Cụ Tư cho biết, trước đây cụ chỉ nuôi vài con bò cỏ để bán thịt. Thấy chăn nuôi như thế chỉ tổ cực thân và ít lợi nhuận, anh hai Vân (Huỳnh Văn Vân, con trai duy nhất của cụ Tư) bàn với mẹ chuyển sang nuôi bò thịt công nghiệp. “Nó bảo với tui cứ làm, nó hỗ trợ. Thế là tui làm” - cụ Tư tâm sự.
Để hỗ trợ và động viên mẹ, anh hai Vân lấy xe chở cụ Tư đi tham quan học hỏi mô hình và kinh nghiệm nuôi bò thịt. Nghe ở đâu có mô hình hay hiệu quả là anh chở cụ Tư đến. Học được gì hay, cụ Tư mang về hướng dẫn lại mấy nhân công chăm sóc đàn bò.
Nghe tôi hỏi, ở cái tuổi “cổ lai hy” như cụ sao không tịnh dưỡng sức khỏe, nương nhờ con cháu, làm nông chi cho cực, cụ Tư cười sảng khoái: “Phải làm chứ, tui là nông dân rặc mà, không làm nằm võng hoài buồn lắm”.
Cụ Tư khoe đang chuẩn bị xuất một lô bò thịt đầu tiên hơn 40 con. Cụ mong thị trường chấp nhận thịt bò “sạch” của mình sau nhiều tháng ngày chăm chút, kỳ vọng.
Mô hình điểm trong vùng
Vùng nam Long An không có núi, không rừng rậm, nhưng nơi đây từng tồn tại một căn cứ lừng danh trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là "Đám lá tối trời" (nay thuộc xã Nhựt Ninh, Tân Trụ). Bất chấp mọi phương tiện hủy diệt của đối phương, kể cả chất hóa học khai hoang, "đám lá tối trời" vẫn tồn tại.
Theo cụ Tư, đất Mỹ Bình ngày ấy cũng bị Mỹ chà đi, xát lại ngày đêm. Rất nhiều người tham gia kháng chiến đã nằm xuống. “Ở đây con cháu liệt sĩ nhiều lắm. Một thời, không được học hành đến nơi đến chốn, giờ “sắp nhỏ” xin đi làm việc nhưng thiếu trình độ nên không ai nhận, hoặc nhận rồi lại bị sa thải. Về nhà không có việc làm nên bám đồng ruộng, hoặc ai thuê gì làm nấy, tội nghiệp!” - cụ Tư bộc bạch.
Hơn chục năm làm Bí thư, Chủ tịch xã; hơn 30 năm làm công tác mặt trận khiến cụ Tư cứ đau đáu công ăn việc làm cho con em liệt sĩ. Cụ bảo, thiên hạ chỉ biết cô mở trang trại bò là làm kinh tế, nhưng thực chất cũng cố ý tạo công ăn việc làm cho con em liệt sĩ. Giờ, trang trại đang thuê 6 con em liệt sĩ làm việc.
Cụ Tư ngồi bấm đốt ngón tay tính đồng lương cho từng nhân công trong trại: “Thằng nhỏ cắt cỏ, rửa máng lương 6 triệu đồng/tháng, thằng trộn thức ăn cho bò 7,5 triệu đồng/tháng, thằng quản lý 7,5 triệu đồng/tháng…”.
Anh Út Nam chia sẻ, từ ngày vào đây làm việc không những có được đồng lương mà còn bỏ những ngày lêu lổng ăn chơi. “Trước tui cũng đi nuôi bò sữa nhưng rồi mất việc vì bò sữa mất giá, chủ đóng cửa trại bò. Nhờ có cô Tư mà tui lại có việc làm” - anh nói.
Hôm ngồi chia sẻ việc mở trại bò thịt của cụ Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Bình - bà Phan Thị Lan Châu cho biết, lúc đầu khi nghe cụ Tư nói có ý định mở trại bò, bà khá lo bởi tuổi tác cụ Tư đã cao. Nhưng thấy cụ quyết tâm phải mở nông trại bò vừa làm kinh tế, vừa tạo việc làm cho thanh niên địa phương nên cũng ủng hộ làm. “Thấy vậy chứ, cô Tư còn khỏe và minh mẫn lắm” - bà Châu cười nói.
Một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Tân Trụ cho biết, huyện đang có ý định hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu điểm nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại trang trại bò thịt của cụ Tư nhằm triển khai rộng trong nông dân. Đây cũng là chương trình trọng tâm “3 cây, một con” (cây lúa, thanh long, rau và con bò thịt) mà thời gian qua tỉnh Long An dồn sức thực hiện.
Cụ Tư cho biết hoàn toàn ủng hộ chính quyền thực hiện mô hình điểm chăn nuôi bò thịt tại trang trại của mình. Thế nhưng, cụ cũng lưu ý, đã làm thì phải tính toán cho kỹ để không uổng công vì thực chất đã có tình trạng làm mô hình xong nhưng không thực tế, triển khai rộng không được.
Nói về dự định… tương lai, cụ Tư chia sẻ: “Tui sẽ tiếp tục mở rộng trang trại để nuôi bò. Cũng có nhiều người khuyên tui nghỉ ngơi, nhưng tui chỉ có một quan điểm sống đơn giản: Mình còn sức, thì còn phải làm, làm không phải chỉ vì bản thân mình, mà còn để tạo công ăn việc làm cho tụi nhỏ, để làm sao chúng có thu nhập ổn định và sinh sống, làm ăn được trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.