Từng thành phần, lĩnh vực phải tự đổi mới
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng – Chứng khoán – Đầu tư (BASICO)
Thế giới đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này có gây sức ép cho nền kinh tế Việt Nam không, thưa ông?
- Trong một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể tác động đến chúng ta, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng không ngoại lệ. Theo tôi, đây là cơ hội lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất để chúng ta vươn lên, hội nhập với thế giới. Do nhiều nguyên nhân, chúng ta đã có thời kỳ dài chìm đắm trong lạc hậu, trì trệ, có nhiều lĩnh vực chúng ta đang thua, nếu không muốn nói là tụt hậu.
Nhưng theo tôi, sức ép lớn nhất lại không đến từ người dân và DN, bởi họ sẽ tự tìm cho mình một hướng đi vừa sức. Điều quan trọng là Chính phủ, các ngành chức năng và cả hệ thống thể chế có thể thay đổi để phù hợp với cuộc cách mạng này hay không.
Theo ông, những thay đổi cần phải có là gì?
- Phải xác định làm cách mạng 4.0 không thể bằng sự hô hào, khẩu hiệu mà phải là quá trình tự đổi mới của từng thành phần, lĩnh vực. Ví dụ, Chính phủ phải dẫn dắt bằng những sản phẩm, dịch vụ, cách làm của 4.0, phải xây dựng chính phủ điện tử.
Người máy làm ruộng sẽ dần thay thế cho những lao động truyền thống. Ảnh: T.L
"Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta không thể làm nông nghiệp 4.0 trên những mảnh ruộng bé bằng bàn tay, muốn sử dụng robot chăm sóc cây, muốn có máy bay phun thuốc trừ sâu phải có một cánh đồng rộng lớn. Không còn cách nào khác, chúng ta phải sửa Luật Đất đai, bỏ hạn điền để đạt được điều này”.
Luật sư Trương Thanh Đức
|
Tôi có nghe thông tin một số tỉnh có chủ trương sử dụng mạng Zalo để cung cấp thông tin, văn bản hành chính đến người dân. Việc này rất tiện lợi nhưng xét cho cùng vẫn là một hình thức sử dụng miễn phí, không đảm bảo an toàn, không đầy đủ cơ sở pháp lý nếu chẳng may xảy ra sai sót. Trong khi, cách mạng công nghiệp 4.0 phải đảm bảo được nguyên tắc nhanh và chính xác tuyệt đối.
Vì vậy, nếu bộ máy hành chính, các bộ, ngành không tự đổi mới thì khó có thể theo kịp. Thực tế, cho đến thời điểm này, có những công văn, giấy tờ chuyển đến các cơ quan trong cùng thành phố nhưng phải mất cả tháng mới đến nơi. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ thông tin để khắc phục việc này. Hay khi tiếp nhận thông tin, yêu cầu của người dân, thay vì phải 10 ngày mới đến nơi, rồi có khi cả tháng, thậm chí cả năm không được giải quyết thì bây giờ làm sao 10 tiếng là xong, thậm chí 10 giây sau phải trả lời người dân là đã nhận được thông tin.
Tất cả những điều đó, nếu xây dựng một hệ thống hành chính minh bạch, thông suốt thì sẽ được hóa giải một cách dễ dàng. Chính phủ hãy khơi thông một dòng chảy để DN, người dân theo chứ không thể hô hào bằng khẩu hiệu.
Phải chấp nhận cuộc chơi mất còn
Có nghĩa là theo ông, sự thay đổi phải bắt đầu từ trên xuống, từ hệ thống thể chế, chính sách đến những việc làm cụ thể?
- Đúng vậy, thay vì hô hào bằng khẩu hiệu, Chính phủ, các ngành chức năng hãy ban hành các chính sách làm sao đảm bảo sự thông thoáng nhất cho DN phát triển. Tôi lấy ví dụ về chính sách thu thuế kinh doanh trên Facebook, theo tôi việc này là đúng, nhưng phải làm sao khuyến khích những loại hình thương mại điện tử phát triển để mang lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Chỉ tính riêng năm ngoái, cả nước ban hành tới 40.350 văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong đó có tới 14% văn bản bị phát hiện có nội dung trái luật. Cơ quan nhà nước ban hành văn bản sai, chưa thấy ai bị xử lý nhưng những thiệt hại của DN do văn bản trái luật gây ra nhiều khi khó đong đếm.
Cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến sự chính xác và tự động hóa. Liệu điều đó có gây sức ép lên thị trường lao động không, thưa ông?
- Theo tôi, gây sức ép là tốt, để chúng ta phải tự thay đổi để thích ứng. Điều quan trọng là Chính phủ phải có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra những việc làm mới, khuyến khích phát triển đi kèm với bảo đảm an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội giúp cuộc sống của người dân không bị tác động.
Theo ông, cho đến nay, hệ thống hạ tầng của chúng ta đã đủ sức đón nhận và áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa?
- Tất nhiên là có một vài lĩnh vực đã đáp ứng được, thậm chí thích ứng rất tốt như ngân hàng, công nghệ thông tin. Nhưng nhiều lĩnh vực khác thì còn xa và còn lâu mới đáp ứng được. Ví dụ như hạ tầng giao thông, nói 0.4 thì hơi quá nhưng có những cái chỉ đáp ứng được yêu cầu của 2.0.
Chính vì vậy, tôi phải khẳng định lại, muốn tạo ra sự thay đổi phải bắt đầu từ trên xuống. Ví như, DN làm được cái gì họ sẽ tự làm, Chính phủ lo cái chung, tạo ra sự đột phá. Trong lĩnh vực giao thông, phải tiến tới xây dựng trạm thu phí tự động. Hay trong nông nghiệp, chúng ta không thể làm nông nghiệp 4.0 trên những mảnh ruộng bé bằng bàn tay, muốn sử dụng robot chăm sóc cây, muốn có máy bay phun thuốc trừ sâu phải có một cánh đồng rộng lớn. Không còn cách nào khác, chúng ta phải sửa Luật Đất đai, bỏ hạn điền để đạt được điều này.
Theo ông, DN nên chuẩn bị tâm thế như thế nào trước cơn bão 4.0?
- DN phải chấp nhận cuộc chơi mất còn. Có những lĩnh vực như ngân hàng, công nghệ thông tin chúng ta ngang hàng với thế giới, không có gì đáng ngại. Nhưng sự thay đổi của thể chế, của bộ máy hành chính mới quan trọng. Chúng ta thừa nhiều cán bộ, công chức là vì không đổi mới bộ máy, không áp dụng 4.0; các văn bản, biểu mẫu hãy làm theo cách hiện đại nhất có thể; một văn bản thay vì 10 trang giấy thì rút xuống để đỡ lãng phí, tiến tới điện tử hóa.
Tóm lại, hãy bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0 từ những điều đơn giản nhất chứ không phải là những hô hào cao siêu.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.