Kiệt quệ vì dịch tả lợn châu Phi, dân ồ ạt nuôi gà, nuôi vịt

Phạm Anh Thứ sáu, ngày 05/07/2019 13:00 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, có thể coi là khoảng thời gian đáng quên nhất đối với những người chăn nuôi lợn, hết "bão giá lợn" rồi lại "bão bệnh dịch", khiến các hộ chăn nuôi kiệt quệ về tài chính, thậm chí còn phá sản. Đặc biệt, trước đại dịch tả lợn châu Phi đang không ngừng lây lan, nhiều nông dân đã ồ ạt chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt.
Bình luận 0

Nông dân đổ xô đi nuôi gà, nuôi vịt

Ngành chăn nuôi lợn từ đầu năm đến nay liên tiếp gặp nhiều khó khăn khi đã có tới 61 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (số liệu tính tới ngày 3/7), số lợn phải tiêu hủy đã lên tới gần 3 triệu con. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã quyết định chuyển sang chăn nuôi gia cầm.

Gia đình anh Cao Văn Đình (35 tuổi, trú ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) từng là hộ chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất nhì của xã Hải Đông, nhưng sau đợt bão giá lợn năm 2017, dịch lở mồm long móng cuối năm 2018, gia đình anh phải giảm đàn để cầm cự, chờ ngày lợn tăng giá.

Giá tăng chưa thấy đâu thì dịch tả lợn Châu Phi quét qua vào vài tháng trước là dấu chấm hết với nghề nuôi lợn của gia đình anh.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, anh Đình cho biết, hết "bão giá" rồi lại đến dịch bệnh trong vài năm vừa qua khiến gia đình anh kiệt quệ. Cuối năm vừa rồi, thấy giá lợn hơi nhích lên gia đình anh cũng đi mua gần 100 con lợn giống về nuôi mong gỡ gạc lại, nhưng trớ trêu thay, anh lại lâm vào tình cảnh thê thảm hơn cùng với nhiều người chăn nuôi khác do đại dịch tả lợn Châu Phi.

img

Anh Cao Văn Đình không phải là hộ nông dân nuôi lợn duy nhất từ bỏ nuôi lợn để chuyển sang nuôi gia cầm. Trên thực tế, một số lượng lớn các trang trại chăn nuôi lợn đã mở rộng sản xuất sang các vật nuôi khác như: gà, vịt, cá, bò, thỏ....

Thấy nghề nuôi lợn nhiều rủi ro chẳng khác nào đánh canh bạc lớn, anh Đình quyết định chuyển sang nuôi vịt thương phẩm, mỗi lứa có khi lên đến hơn 20.000 con.

“Từ đầu năm đến giờ, tôi đã bán được khoảng 50.000 con vịt thịt thương phẩm, trung bình mỗi con nặng từ 2,5 - 3kg, giá bán năm nay lại cao và ổn định ở mức từ 35.000 - 45.000 đồng/kg”, anh Đình tiết lộ.

Cũng theo anh Đình, so với nuôi lợn thì nuôi vịt có nhiều ưu điểm hơn hẳn, chi phí đầu tư mô hình thấp, ít rủi ro hơn và lại nhanh cho thu hồi vốn, mỗi chu kì nuôi chỉ khoảng 50 ngày là vịt có thể xuất bán. Thị trường vịt thịt cũng không bị cạnh tranh khốc liệt như gà hoặc heo lợn. Mặt khác, vịt lại dễ nuôi, dễ chăm sóc và ít bị bệnh tật...

”Chuồng trại nuôi lợn trước nay đã được tôi tận dụng làm nơi úm vịt con, do diện tích lớn nên có những lứa tôi nhập tới hơn 20.000 con vịt giống nên vẫn thiếu chỗ để úm. Nuôi vịt thì còn ra tiền, chứ cứ lao theo con lợn thì có khi nhà cũng không còn mà ở”, anh Đình tâm sự.

img

Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, tổng đàn gia cầm của cả nước hiện nay tăng từ 15% cho đến 16%.

Giống như anh Đình, anh Hoàng Ngọc Việt (34 tuổi) ở thôn Đồng Tâm, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng chọn nuôi gà làm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Hiện anh Việt đang có hơn 10.000 m2 chuồng trại và đang nuôi hàng nghìn con gà ri. Trung bình, mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 4 tấn gà ri thương phẩm, với giá bán luôn ổn định ở mức 120 ngàn đồng/kg.

Nguy cơ dư thừa các sản phẩm gia cầm?

Anh Hoàng Ngọc Việt cho hay, hiện nay cũng có khá nhiều người chuyển sang nuôi gà, các trang trại gà quy mô lớn từ vài trăm cho đến hàng nghìn con mọc lên như nấm, nên dự báo đầu ra sắp tới sẽ cạnh tranh khốc liệt. Để ổn định đầu ra hơn, trại gà của anh được nuôi theo quy trình VietGAP để có chỗ đứng trên thị trường.

"Một số chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ở Vĩnh Phúc và Hà Nội cũng đã ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm của trại. Đặc biệt, các khu resort, nghỉ dưỡng ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng lựa chọn gà từ trại của anh để làm thực phẩm tiếp đón khách nghỉ dưỡng, trong đó có cả những khu resort 5 sao nên tôi cũng yên tâm hơn về đầu ra", anh Việt chia sẻ.

Không chỉ riêng anh Đình hay anh Việt mà trên cả nước còn rất nhiều hộ dân, chủ trang trại, doanh nghiệp... cũng đang ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, việc ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm như thế sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy xấu về sau này, có khả năng dư thừa các sản phẩm từ gia cầm như: thịt và trứng...

img

Trước thực trạng dịch tả lợn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm khiến nguy cơ dư thừa trong thời gian tới là rất cao ?.

Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do thời gian qua, Đồng Nai có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp.

Một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì thị trường tiêu thụ tốt. Mảng chăn nuôi gà ta thả vườn cũng đã chuyển hướng theo quy mô công nghiệp. Theo ông Quang, trong 1 năm, các trang trại có thể nuôi được từ 4-5 lứa gà công nghiệp nên rất nhanh thu hồi vốn. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) thì bày tỏ lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh, áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn, khiến thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao, thậm chí dư thừa nếu chăn nuôi ồ ạt, mất kiểm soát".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem