Lâm Đồng: Đặt mục tiêu 5 sản phẩm OCOP đạt chuẩn quốc gia

Văn Long Thứ ba, ngày 31/03/2020 21:14 PM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, trong năm 2019, 8/12 huyện, thành phố của tỉnh đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, qua đó xác định được 47 sản phẩm của 30 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Đặc biệt, 2 sản phẩm đạt số điểm cao là Ladoactiso Trà Nhất Diệp Nguyên Hương (91 điểm) và Ladoactiso Cao ống (93 điểm) của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng được Hội đồng OCOP tỉnh đề xuất UBND tỉnh gửi hồ sơ lên Bộ NNPTNT đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia đạt hạng 5 sao.

img

Ông Trịnh Tấn Vinh (57 tuổi, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) bên những cành cà phê chín dùng làm cà phê mật ong - một sản phẩm OCOP của huyện. Ảnh: P.V

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đưa ra mục tiêu tổ chức đánh giá, công nhận ít nhất 40 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia và 35 sản phẩm OCOP Lâm Đồng mới đạt hạng trên 3 sao.

Nhìn chung trong 2 năm qua, từ khi bắt tay triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Lâm Đồng, địa phương đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2019, Lâm Đồng là 1 trong 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước được Trung ương chọn chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020, định hướng 2030.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong quá trình thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương, hệ thống quản lý chương trình được thực hiện theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Trong đó cơ quan thường trực là Sở NNPTNT, phòng chuyên trách tham mưu thực hiện chương trình cấp tỉnh, cấp huyện được phân công công nhiệm vụ cụ thể. Trong năm 2020, địa phương sẽ triển khai Chương trình OCOP đúng chu trình (chu trình 6 bước), tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt”.

Ông Sơn cũng cho biết, ngoài những mặt đã đạt được, chương trình OCOP vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. OCOP là chương trình mới, yêu cầu có sự phối hợp của các cấp, ngành và đơn vị liên quan nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng. Chính quyền cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc rà soát và đề xuất phát triển sản phẩm OCOP, tuy nhiên trong thời gian qua sự tham gia của cấp xã còn hạn chế.

Nhiều cán bộ chuyên trách nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc thực hiện chương trình OCOP. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá và công nhận sản phẩm trong năm 2019 chủ yếu lựa chọn từ sản phẩm sẵn có, một số sản phẩm tham gia của cộng đồng còn hạn chế chưa tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP với sản phẩm hàng hóa khác, gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem