Ăn sắn, ngô hàng năm trời
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất khô cằn bản Lồng, xã Tỏa Tình, chị Dua cũng như bao phụ nữ Mông khác, nhiệm vụ chính là sinh con và kiếm miếng cơm từ cây ngô, cây lúa trên đất dốc, núi đồi.
Cũng theo chị Vàng Thị Dua, trồng cây táo mèo chỉ khổ lúc cây còn bé là phải thường xuyên làm cỏ, khi cây đã cho thu quả thì lại rất nhàn. Mỗi năm, chỉ làm cỏ một lần. Sau đó, chờ đến mùa thu hoạch rồi ngồi đếm tiền. Giá đầu ra khá ổn định, mấy năm trở lại đây thương lái đến tận nhà đều thu mua với giá 10.000đ/kg.
Luẩn quẩn với cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sáng sớm dậy lên nương, tối lại một gùi sắn, ngô trên lưng về nhà. Vào mùa giáp hạt cái đói, cái khát lại đến. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, năng suất cây lúa, cây ngô thì giảm dần, không đáp ứng với công sức bỏ ra. Không chịu khuất phục trước số phận, chị Dua cùng chồng tìm hướng thoát nghèo.
Chị Vàng Thị Dua - chăm sóc đàn nhím trong những lúc nông nhàn
Có ý tưởng rồi nhưng chị đang trăn trở không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì mới phù hợp với mảnh đất khắc nghiệt ở nơi này? Qua tìm hiểu, chị Dua biết đến cây táo mèo-cây sơn tra. Táo mèo là loài cây ưa khí hậu lạnh, địa hình núi cao rất phù hợp với vùng đất này. Rồi, người phụ nữ Mông này đã mạnh dạn từ bỏ hơn 15.000m2 đất đang trồng ngô, lúa chuyển đổi sang trồng cây Sơn tra.
“Tôi cùng gia đình tìm đến một số cây Sơn tra cổ thụ đã được các cụ trồng từ trước bới từng chiếc lá, nhặt nhạnh từng quả đem về ươm giống và cũng trồng được 400 cây. “Thú thật nhiều lúc nản lắm chú ạ! Mấy năm chăm sóc và đợi cây táo cho thành quả mà cả nhà phải ăn sắn, ngô… hàng năm trời đấy!” – Chị Vàng Thị Dua nhớ lại.
5 năm ròng rã mới cho thành quả
Thời gian cứ thế trôi đi, cuối cùng sau 5 năm ròng rã chờ đợi, gần nửa số cây táo cũng đã bói quả đầu tiên. Do không được quan tâm, chăm bẵm tốt nên năm đó, gia đình Chị Dua chỉ thu được 1 tấn quả. Bán với giá 10.000/kg, chị Dua cũng bỏ túi 10 triệu đồng.
Hình như chị Vàng Thị Dua luôn có duyên với cây trái thì phải, dù trồng cây gì đều cho quả sai lúc lỉu
“Mùa táo mèo bắt đầu chín rộ vào tháng 8, 9. Mùa này lại là mùa mưa, hái được quả đã vất vả rồi chứ muốn chở đến ngã ba đèo Pha Đin để bán càng khó gấp bội. “Chúng tôi phải “vật lộn” với quãng đường đất lầy lội dài gần 10km, một người lái xe, người còn lại đẩy, hơn 4 tiếng đồng hồ mới lên đến đỉnh đèo. Nên mỗi ngày chỉ chở được một chuyến” – Chị Dua thở dài cho biết.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cây Sơn tra đem lại cao gấp nhiều lần so với cây ngô, cây sắn chị cùng gia đình “lao” vào phát cỏ chăm bẵm. “Làm gì cũng thế, phải đổ mồ hôi, công sức hái được trái, quả mới cảm nhận được vị ngọt của nó”. Chị Dua thật thà chia sẻ.
Theo chị Dua, nhờ được chăm sóc tốt năm 2016, với 400 gốc cây táo mèo gia đình thu được 10 tấn quả và lãi 100 triệu đồng. Năm 2017, mặc dù mất mùa nhưng gia đình chị cũng thu lãi 70 triệu đồng từ 7 tấn quả.
Ngoài trồng táo mèo, chị Dua cũng đầu tư nuôi hơn 20 con nhím. Với giá 150.000/kg, chị Dua cũng đút túi gần chục triệu đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.