Xã Phạm Văn Hai vốn trước nay là vùng trũng thấp, hoang hóa, thường chỉ thích hợp trồng mía, khóm. Ông Vương Đình Tứ là 1 trong những nông dân đầu tiên trong xãc mạnh dạn đưa cây bưởi da xanh về mảnh đất này.
Ông Vương Đình Tứ đang chăm sóc lứa bưởi da xanh mới, chỉ 2 tháng nữa là tới độ chín bán được.
Thấy cây bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt trên đất phèn, năm 2012, ông Vương Đình Tứ quyết định thuê lại 3ha đất của nông trường rồi xuống Bến Tre mua 500 cây bưởi giống về trồng thử. Sau hơn 1 năm, cây bưởi da xanh phát triển tốt. Đến nay, ông Vương Đình Tứ đã mở rộng quy mô sản xuất lên 3ha, với 1.500 gốc.
Theo ông Vương Đình Tứ, cây trồng truyền thống nơi đây quanh đi quẩn lại chỉ mía, mì, khóm...Dù cho năng suất những cây này có cao nhưng giá thị trường bấp bênh nên nhiều nông dân không mặn mà. Thêm vào đó, huyện Bình Chánh ngay sát nội đô Sài Gòn nên việc chuyển đổi sang những mô hình sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng đô thị là rất quan trọng.
“Nếu mình chịu khó chăm sóc bằng phân hữu cơ thì bưởi da xanh vẫn thích hợp trên nền đất phèn. Chất lượng trái ngọt hơn cả bưởi da xanh trồng dưới miền Tây Nam bộ”, ông Tứ bật mí.
Theo ông Vương Đình Tứ, trồng bưởi da xanh trên nền đất phèn cần sử dụng nhiều phân bón hữu cơ thì trái bưởi có mã đẹp, ăn ngọt chẳng thua kém bưởi da xanh trồng ở miền Tây.
Vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, vườn bưởi của ông Vương Đình Tứ đã cho thu hoạch khoảng 15 tấn. Giá bán cho thương lái 65.000 - 70.000 đồng/kg, ông Tứ thu về trên dưới 1 tỷ đồng. Ông Tứ khẳng định: “Nếu đầu tư chăm bón tốt, bưởi da xanh cho giá trị kinh tế lớn, 1 ha bưởi ở độ khai thác cao nhất có thể thu được 800 triệu đến 1 tỷ đồng”.
Trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, cũng có nhiều nông dân đã chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi da xanh. Từ một vùng trũng thấp, hoang hóa, hiện nơi đây đã hình thành nên một vùng chuyên canh bưởi da xanh rộng hàng chục ha.
Xã Phạm Văn Hai mong muốn xây dựng vùng chuyên canh bưởi.
Tuy nhiên, đất nông nghiệp nơi đây thuộc nhà nước quản lý. Bản thân ông Tứ cũng phải sang nhượng lại quyền sử dụng đất mới có diện tích để canh tác. Ông Vương Đình Tứ và nhiều người nơi đây vẫn mong chính quyền thành phố sớm quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, trong đó có bưởi da xanh lâu dài để nông dân yên tâm sản xuất.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Phạm Văn Hai cho biết, Hội đã đề xuất với chính quyền huyện Bình Chánh cho triển khai đề án phát triển bưởi da xanh, hướng đến sản xuất đồng bộ theo quy trình VietGAP, gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới thành lập Hợp tác xã trồng bưởi da xanh có liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.