Thu nhập từ trồng rau cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa khiến người dân càng thêm tin tưởng.
Ở khắp xã Sa Pả, những triền ruộng bậc thang trước đây đã được thay thế bằng những ruộng bắp cải, xu hào… xanh mướt. Ông Hạng A Chu – Trưởng thôn Giàng Tra, là một trong những người đầu tiên chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém năng suất của gia đình sang trồng rau theo hướng an toàn.
“Trước cấy lúa, tôi chỉ thu được chưa đến 20 triệu đồng/vụ. Mà cả năm cũng chỉ làm được 1 vụ, nhưng trồng rau có thể trồng được nhiều vụ, giá trị kinh tế cao lại ổn định về đầu ra, nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Tham gia mô hình, chúng tôi được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm rau; đầu ra cho sản phẩm được HTX Nông nghiệp Mai Anh đảm nhận” – ông Chu cho hay.
Ban Quản lý dự án đã đầu tư nhà màng có diện tích 500m2, khung cột thép, vòm mái, xung quanh có lưới chắn; đầu tư 300 khay nhựa để vận chuyển rau sau thu hoạch; xây dựng 10 bể chứa rác thải. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, quy trình áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rau theo hướng GMP, VietGAP; chọn nguồn đất, nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh (thuốc vi sinh và thảo mộc); các phương pháp sơ chế, kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng sản phẩm cho người dân.
Rau sau khi thu hoạch được đưa tới Khu sơ chế của HTX Nông nghiệp Mai Anh. Trải qua các công đoạn: Sàng rung tách nước, hệ thống rửa, sục ôzôn, hàn túi... những cây rau bắp cải, cải thảo mập mạp, xanh mướt, sạch sẽ được đóng túi và mang đi tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh.
Ông Đỗ Đức Thiện - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sa Pa, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án cho biết: Dự án bắt đầu từ 9.2016, bước đầu người dân các xã hưởng lợi từ dự án đã thay đổi nhận thức trong cách sản xuất rau an toàn và làm quen với việc trồng rau chuyên canh. Phần lớn các hộ đã được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.