Thủy điện Sơn La được phát điện trở lại vào sáng ngày 12.10 - Ảnh: Huyền Thương
Theo Công điện số 79/CĐ-TW hồi 7h ngày 12.10, hiện mực nước hồ Hòa Bình đã trong giới hạn cho phép và tiếp tục giảm.
Lúc 7h sáng nay, mực nước thượng lưu ở cao trình 115,52 m; lưu lượng đến hồ 3.680 m3/s, tổng lưu lượng xả 9.330 m3/s (gồm lưu lượng qua 4 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).
Cùng với chỉ đạo phát điện trở lại các tổ máy của Thủy điện Sơn La, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu Công ty tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng lưu, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, ngày 11.10, theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủy điện Sơn La đã dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.
Ông Phạm Văn Vương, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, hiện mực nước hạ du tại Hòa Bình chưa ảnh hưởng đến dân cư vùng hạ du và không phải thực hiện di dời. Do đã đóng lại một số cửa xả, nên mực nước hạ du sẽ tiếp tục rút xuống dưới mức báo động. Nếu so với năm 2007, khi hồ Hòa Bình cũng phải mở 6 cửa xả đáy, mực nước hạ du hiện tại vẫn thấp hơn 0,9 m.
Theo ông Vương, thủy điện Hòa Bình đã tuân thủ nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Trước khi mở cửa xả lũ đầu tiên (19h tối 10.10 – PV), thủy điện Hòa Bình đã gửi thông báo trước hơn 2 tiếng đồng hồ tới tất cả các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan, cũng như phát trên hệ thống cảnh báo lũ hạ du của công ty. Với mỗi đợt mở thêm cửa xả, công ty cũng thực hiện thông báo đầy đủ như vậy. Riêng khi mở cửa xả đáy số 5, công ty đã lùi thời gian mở lại 1 tiếng để đảm bảo di dời làng chài an toàn theo yêu cầu của địa phương.
Do mưa lớn còn tiếp tục, đặc biệt là ở khu vực Hòa Bình, Sơn La, nên lưu lượng nước đến hồ Hồ Bình vẫn rất lớn. Mặc dù đã có thông báo cho người dân, nhưng hồ Hòa Bình có thể còn tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy. Vì vậy, bà con ở hạ du tuyệt đối không chủ quan, lơ là; nhất là trong hoạt động kinh tế, đi lại trên sông, suối.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó theo tinh thần “4 tại chỗ”. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, chuyển tải thông tin kịp thời đến người dân để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Được biết, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trước đó cũng khẳng định: Trước đợt mưa lũ này, gần 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía Bắc đã đầy nước, trong đó, mực nước 2 hồ thủy điện lớn là Hòa Bình và Sơn La cũng đang cao.
Tình trạng mưa lũ gần như kéo dài suốt 10 tháng qua ở các tỉnh phía Bắc, nên có nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của các hồ chứa, hệ thống đê điều, đến tất cả dân cư vùng trũng, khu vực sản xuất nông nghiệp.
Ngay khi nhận định diễn biến bất thường của đợt mưa lũ này, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Đến thời điểm này, đã bảo vệ an toàn các công trình thủy điện, thủy lợi; không để xảy ra rủi ro gây thiệt hại lớn.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Cường, hồ Thủy điện Hòa Bình vẫn đang vận hành theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cùng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp rất chặt chẽ, điều hành xả lũ hồ Hòa Bình rất nhịp nhàng.
Tuy nhiên, diễn biến mưa lũ rất khó lường, ngành điện không được phép chủ quan mà cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đang có mặt tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để vận hành các cửa xả, kể cả trong tình huống xấu nhất.
Clip: Cận cảnh xả lũ ở đập thủy điện Hòa Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.