Lão nông trồng lúa giỏi được tặng huân chương

Phương Dung Thứ ba, ngày 03/01/2017 07:00 AM (GMT+7)
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam tại Tiền Giang, cả hội trường vỗ tay vang dội khi lão nông 68 tuổi Nguyễn Văn Đức bước lên sân khấu nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích lao động sản xuất miệt mài trên đồng ruộng, làm giàu cho bản thân và cả cộng đồng...
Bình luận 0

Làm giàu nhờ kỹ thuật cao

Từ cổng di tích Chiến thắng Ấp Bắc, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Đức, ai nấy cũng lắc đầu không biết. Nhưng hỏi “ông Sáu Đức làm ruộng nuôi lợn được huân chương”, người dân hướng dẫn ro ro: “Anh chạy qua cầu Số 3 thì quẹo liền tay phải vô con đường bê tông. Chạy thêm vài trăm mét, thấy cái nhà nào khang trang, có kho lúa thiệt bự là nhà ông Sáu”...

img

Nông dân Nguyễn Văn Đức giới thiệu lúa giống do ông sản xuất.  Ảnh: H.D

Không chỉ là “kiện tướng” sản xuất lúa giống, ông Đức còn tăng thu nhập bằng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, tận dụng nguồn lúa lừng sau thu hoạch để ép cám tiết kiệm chi phí thức ăn. Ngoài lợn nái, lợn thịt, ông còn đào ao nuôi cá giống trê lai, giống cá tai tượng. Trung bình mỗi năm ông xuất chuồng cả chục tấn lợn thịt, khoảng 4 tấn cá trê lai hoặc cá tai tượng giống tùy theo năm... Nhờ vậy, nâng tổng lợi nhuận từ bán lúa giống, cá giống, lợn hơi và lợn giống khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Có được cơ ngơi khang trang bên cánh đồng bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa như hiện nay, nông dân Nguyễn Văn Đức đã có bước khởi nghiệp vô cùng gian khó. Như những địa phương thuần nông khác ở vùng Ấp Bắc anh hùng, người dân xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) quê ông có truyền thống độc canh cây lúa.

Trong vụ đông xuân 2014 – 2015, ruộng lúa 2,2ha của ông Đức ước đạt năng suất gần 8 tấn/ha, với giá bán đến 10.000 đồng/kg, gấp đôi giá lúa trên thị trường cùng thời điểm. Ông Sáu Đức thu về 165 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Sở dĩ ông bán được giá cao và lời “phỏng tay”  như vậy bởi ruộng nhà ông trồng giống xác nhận cung ứng cho thị trường lúa giống các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Việc này, trong xóm không ai ngạc nhiên, bởi nhiều người cũng bán được giá như ông do họ làm theo ông, trồng giống xác nhận từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, là nông dân “nòi” lấy ruộng nương làm cơ nghiệp, ngay từ những năm đầu đổi mới đất nước, ông đã trăn trở rất nhiều khi nhận thấy bà con làm mãi không giàu, do tập quán canh tác lạc hậu đến thị trường tiêu thụ bấp bênh và điệp khúc “trúng mùa, mất giá” luôn lặp đi lặp... Không thể sản xuất theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mãi được, ông Sáu Đức quyết chí làm giàu bằng cách thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng rộng rãi và đồng bộ các biện pháp thâm canh theo khoa học, chuyển đổi từ trồng lúa thịt để bán phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang chuyên sản xuất và cung ứng các loại giống lúa tốt, giống lúa xác nhận cho thị trường lúa giống các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Nghĩ là làm, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chọn tạo giống cộng đồng do ngành nông nghiệp tổ chức, sau đó ký hợp đồng sản xuất lúa giống theo nhu cầu của các đơn vị chuyên kinh doanh lúa giống, cây giống trong và ngoài tỉnh. Năm 2001, ông ký hợp đồng với Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang). Đơn vị này đã tập huấn và cử một số kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn ông thực hiện canh tác kỹ thuật cao ngay tại ruộng.

Ông Sáu Đức cho biết, sản xuất lúa giống xác nhận đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn so với trồng lúa thịt tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt nghiêm ngặt là các khâu khử lẫn, chăm sóc theo IPM, “3 giảm 3 tăng”, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” hoặc dựa trên bảng so màu lá lúa... Bù lại, lúa giống tốt do ông sản xuất và cung ứng được Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang mua theo gia cao gấp 1,3 - 1,4 lần lúa thường. Cứ như thế, trong suốt 15 năm qua, ông Nguyễn Văn Đức hoàn toàn đi theo con đường sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường mà ông gọi vui là “con đường làm giàu bền vững”.

Theo ông Sáu Đức, với 2,2ha đất canh tác, mỗi năm sản xuất 3 vụ, sau khi loại bỏ hạt thóc không đạt chuẩn, ông thu hoạch được khoảng 35 tấn lúa giống. Tùy năm và tùy theo vụ, ông thường sản xuất các giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu nông dân: Nàng Hoa 9, OM 4900, OM 6976, OM 5451... Với giá bán 10.000 đồng/kg lúa giống, mỗi năm ông thu khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí vẫn còn lãi gần 200 triệu đồng. Để nâng cao chất lượng hạt giống, ông còn đầu tư mua máy sấy lúa phục vụ phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch.

“Ngày nay, cuộc sống gia đình tôi khá giả hẳn lên nhờ biết chọn hướng đi đúng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đa dạng được cây trồng vật nuôi, phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” – ông Nguyễn Văn Đức nói.

Cả xóm cùng sản xuất giỏi

img

 Dám nghĩ, dám làm, lão nông Sáu Đức đang thu thành quả lớn từ ruộng đồng.  Ảnh: P.D

Không dừng lại ở việc sản xuất theo sự bao tiêu của Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang, từ năm 2011, ông Nguyễn Văn Đức và 11 nông dân tâm huyết đã thành lập Tổ hợp tác lúa giống Tân Phú, hướng đến cung cách làm ăn tập thể theo yêu cầu của thị trường. Làm ăn hiệu quả, Tổ hợp tác đã mở rộng diện tích sản xuất lúa giống lên 15ha với 19 tổ viên tham gia. Ở vai trò tổ trưởng, đã đúc kết kinh nghiệm qua thực tế sản xuất, ông Đức tận tình hướng dẫn các tổ viên áp dụng kỹ thuật chăm sóc, quản lý mạ khỏe mạnh, cứng cáp, sinh trưởng nhanh, đồng thời ứng dụng đồng bộ các biện pháp ba giảm ba tăng, IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa...  để đưa ra thị trường nguồn giống sạch, chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao. 

Hàng năm, Tổ hợp tác nhân giống lúa do ông Sáu Đức làm tổ trưởng  đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống xác nhận thu được từ sản xuất lúa giống. Hàng năm 100% tổ viên đều được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, riêng ông Nguyễn Văn Đức được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 15 năm liên tục. Thành tích đó khẳng định hiệu quả con đường làm giàu bền vững của người nông dân năng động, nhạy bén trước những cơ hội có một không hai mà nền kinh tế thị trường mang lại.

Ngồi trong căn nhà treo la liệt giấy khen của cấp xã, huyện, tỉnh cho đến trung ương, ông Sáu Đức trầm ngâm: “Cả đời làm ruộng, tôi luôn mong muốn nông dân mình bớt nghèo, có thể làm giàu từ cây lúa. Nay thì xóm tôi, nhất là các anh em trong tổ hợp tác, nhà cửa đều khang trang, con cái học hành đàng hoàng. Nhưng nếu ai cũng làm giống thì giống biết bán cho ai. Cho nên, chúng tôi vẫn mong nhà nước tìm đầu ra hợp lý cho hạt gạo, hoặc có thể chuyển đổi cây trồng vật nuôi làm sao để nông dân có thể kiếm được nhiều tiền hơn”.

Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội năm 2015 - 2016  có gần 140.000 hộ đăng ký. Kết quả bình xét cuối năm, đã có trên 95.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, có tính sáng tạo và kỹ thuật cao, thu hút nhiều lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ thế mà họ còn hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức như giúp đỡ về vốn, giống, kỹ thuật, kinh nghiệm, ngày công lao động… Nông dân Nguyễn Văn Đức là một điển hình như thế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem