Liên kết sản xuất sạch, nhà nông Cố đô vừa khỏe vừa giàu lên

Thu Hà Thứ năm, ngày 23/08/2018 16:26 PM (GMT+7)
“Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn” là mục tiêu mà các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình đang tích cực triển khai nhằm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của hội viên, nông dân.
Bình luận 0

Liên kết sản xuất rau sạch

Năm 2013, Hội ND xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) đã vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản xóm 13. Tham gia tổ hợp tác, các hộ được tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh việc trồng rau… Thấy được lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, nông dân tham gia ngày càng đông. Từ nền tảng ban đầu, tổ hợp tác đã phát triển thành HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn xã Khánh Thành.

img

 Tham gia mô hình trồng cà chua bi VietGAP do Hội ND tỉnh Ninh Bình triển khai, nhiều nông dân xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình đã có thu nhập khá. Ảnh: Thu Hà

"Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã khai trương 4 cửa hàng nông sản an toàn, nhằm thực hiện Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn", góp  phần cung cấp nông sản an toàn, tạo động lực giúp nông dân tăng cường sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Ông Đinh Hồng Thái

HTX hiện có trên 30 thành viên, sản xuất đa canh trên vùng rau hơn 20ha. Các sản phẩm chính của HTX bao gồm cải ngọt, cải ngồng, mướp đắng, dưa chuột, dưa bao tử, bí xanh, cà chua, rau gia vị… Thành viên HTX làm theo phương thức “mùa nào rau đấy” và tuân theo quy trình VietGAP, vừa cho hiệu quả cao hơn nhiều so với thông thường, vừa bảo đảm chất lượng rau an toàn đến tay người tiêu dùng.

Hàng ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn rau, củ quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đẩy mạnh đổi mới hoạt động bảo đảm đúng theo Luật HTX 2012. HTX đặt mục tiêu mỗi năm sản xuất 1.000 tấn nông sản an toàn (300 tấn rau thân lá và 700 tấn củ quả), lợi nhuận thành viên trên 625 triệu đồng/ha và lợi nhuận HTX đạt 400 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Thẫn - Giám đốc HTX cho biết, để hoạt động theo đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh, HTX đã phân công cán bộ thường xuyên giám sát và chỉ đạo sản xuất để bảo đảm sản phẩm đủ điều kiện an toàn. Cùng với đó, HTX hướng dẫn các hộ thành viên làm sổ sách ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất trên từng thửa ruộng của từng hộ gia đình theo đúng quy trình VietGAP.

Hỗ trợ ND sản xuất thực phẩm an toàn

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Xác định việc tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp hội, hàng năm, Hội ND tỉnh đều giao chỉ tiêu thi đua về công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đơn vị; tổ chức tuyên truyền, vận động tới hộ gia đình nông dân không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn hội viên, nông dân áp dụng một số kỹ thuật để nâng cao chất lượng thực phẩm...

Đáng chú ý, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã triển khai và tổ chức ký cam kết với Hội ND các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn” giai đoạn 2016-2020; tổ chức cho 50 hộ nông dân, đại diện các tổ hợp tác, HTX được chọn làm điểm ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời, thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh của hội viên, nông dân về những hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn qua đường dây nóng.

Các cấp Hội cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thành lập và duy trì các mô hình điểm, các tổ hợp tác, HTX chuyên sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch.

 “Năm 2017, Hội ND tỉnh xây dựng 8 mô hình điểm "Nói không với thực phẩm bẩn" tại 8 huyện, thành phố trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như: Mô hình sản xuất nghệ đen an toàn tại xã Yên Sơn (TP.Tam Điệp); trồng rau an toàn tại xã Yên Từ (huyện Yên Mô), xã Văn Phong (huyện Nho Quan)... Các mô hình được triển khai xây dựng nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, HTX tham gia mô hình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao kỳ, đóng gói sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, sản phẩm an toàn hướng tới liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng”- ông Thái thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem