Lo mất tết vì giá nông sản giảm: Yếu từ quy hoạch đến sản xuất

Ngân Hương (ghi) Thứ tư, ngày 31/01/2018 18:30 PM (GMT+7)
Trên các số báo vừa qua, Báo NTNN/Dân Việt đã phản ánh tình trạng giá nhiều loại nông sản giảm giá thê thảm, khiến nông dân thua lỗ khi Tết Nguyên đán 2018 đã cận kề. Xung quanh vấn đề này, NTNN ghi nhận ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý phân tích về việc vì sao “bài ca” được mùa mất giá liên tục tái diễn.
Bình luận 0

img

GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhà khoa học về lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Zing

GS-TS Võ Tòng Xuân: Vai trò nhà nước trong chuỗi sản xuất còn mờ nhạt

Chừng nào cơ quan chức năng chỉ hô hào người dân nuôi và trồng nhưng nền nông nghiệp vẫn do thương lái lo khâu tiêu thụ thì những cuộc giải cứu lợn, dưa hấu, gừng… sẽ vẫn tiếp diễn.

Nông dân phải tự lo việc tiêu thụ sản phẩm vì doanh nghiệp không chơi với mình, họ chỉ chơi với thương lái là chính. Do nông dân không có nguồn hàng ổn định, hay có sự so sánh khi ký hợp đồng nên các doanh nghiệp e ngại liên kết với nông dân”.
GS - TS Võ Tòng Xuân
 

Thực tế, nhiều bà con nông dân sản xuất kiểu tự phát, thường bị tâm lý đám đông, thấy người ta trồng và có thương lái săn đón thu mua sản phẩm với giá cao thì bắt chước trồng theo; thấy thương lái mua gom lợn, cũng đua nhau nuôi lợn...

Cho đến khi thương lái trong nước ngừng mua, mới vỡ lẽ là nền nông nghiệp đang phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Việc hô hào nông dân liên kết với doanh nghiệp là đúng, nhưng thực tế cho thấy nông dân vẫn phải tự lo là chính, vì không có nhiều doanh nghiệp “thích” làm ăn trực tiếp với nông dân. Doanh nghiệp làm việc với thương lái là chính.

Nhìn vấn đề một cách thẳng thắn, vai trò quản lý của Nhà nước các cấp, địa phương còn rất mờ nhạt trong chuỗi sản xuất. Nếu chỉ hô hào “trồng cây gì, nuôi con gì” nhưng thiếu sự quản lý và tổ chức sản xuất của ban ngành chức năng của Nhà nước, để cho thương lái trong và ngoài nước tự do điều khiển thị trường, thì những cuộc giải cứu nông sản sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT):

Có quy hoạch từng ngành nhưng vẫn bị “vỡ”

Thực tế là những năm qua, Bộ NNPTNT đã xây dựng quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng người nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Nhiều nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

img

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt

Đơn cử như chuyện trồng hồ tiêu, tình trạng giá tiêu xuống thấp như hiện nay (chỉ còn từ 62.000 – 64.000 đồng/kg) có nguyên nhân chính từ việc phá vỡ quy hoạch về diện tích. Tại tỉnh Gia Lai, ước tính hiện có 15.500ha hồ tiêu, riêng năm 2016 người dân trồng mới hơn 1.200ha. So với quy hoạch đến năm 2020 là 6.000ha thì tỉnh này đã vượt tới hơn 10.000ha.

Tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch đã diễn ra trong nhiều năm  là một trong những nguyên nhân khiến dư thừa nguồn cung, đẩy giá xuống thấp, làm ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống của nông dân.

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã xác định xây dựng quy hoạch theo ba trục sản phẩm, gắn với tín hiệu thị trường để tạo đột phá. Cụ thể, nhóm thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Nhóm thứ 2 là sản phẩm cấp tỉnh, Bộ sẽ cùng với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh, từ đó tập trung nhóm giải pháp tổng thể vào để đưa những mặt hàng này thành những mặt hàng chủ lực của địa phương.

Thứ 3 là nhóm sản phẩm vùng/miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được quy hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.

img

 Người dân hô hào chung tay giải cứu chuối Đồng Nai hồi tháng 2.2017. T.T.T 

TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam:

Chú trọng khâu chế biến

Lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu, bán cho ai. Nếu không thay đổi được điều này thì chúng ta sẽ vẫn quanh quẩn với “được mùa mất giá,” “dội chợ”.

Do đó cần tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng.

img

TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Một điểm mấu chốt nữa là trong bối cảnh tiêu thụ một số nông sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đáng lẽ ra ngành chế biến phải phát huy hiệu quả, giải cứu cho nông sản thừa. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, ngay cả “vựa” trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cũng không có doanh nghiệp nào tham gia trong lĩnh vực chế biến.

Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản có thể bắt đầu từ việc xây dựng các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, với cơ chế hỗ trợ lãi suất ưu đãi, chính sách thông thoáng… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem