Hồ sơ của lão nông Bảy Bon chỉ đơn giản thế này: Sinh năm 1962, sống ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Nuôi 30 lồng cá bè các loại. Mỗi năm bán ra thị trường hàng ngàn tấn cá. Đón chừng vài ngàn khách/năm. Doanh thu 15-20 tỷ đồng. Có 2 con theo nghề bố; có khu chế biến cá xuất khẩu…
Nhưng để có vài dòng hồ sơ như thế, Bảy Bon đã gần như dành cả cuộc đời và sự tâm huyết cho cuộc “trường chinh” dòng sông Mêkong
Cuộc trường chinh… xuống nước
Lão nông Bảy Bon có lý lịch khá lạ, quê gốc Vĩnh Phúc, sinh ra ở Cà Mau, lập nghiệp tại Cần Thơ. Bảy Bon là con thứ bảy trong gia đình 6 người con. Lão sinh ra ở huyện U Minh Hạ, Cà Mau, nơi mà chim chóc, lươn, cá nhiều vô kể. Bên chén trà của buổi sáng cuối năm, giọng Bảy Bon lúc trầm lúc bổng khi kể về thời niên thiếu của mình: “Lúc tôi còn bé, vùng U Minh Hạ giặc đánh phá ác liệt lắm. 2 anh của tôi hy sinh trong một trận càn của giặc. Bố tôi là chỉ huy du kích, sợ tôi cũng bị giặc giết nên bắt tôi cùng vào rừng làm cách mạng. Vào rừng, tranh thủ lúc bố mẹ và các chú đánh giặc, tôi lội ruộng bắt cá, bắn chim làm thức ăn. Chiến tranh kết thúc, tôi mới đi học lớp 1, lúc đó đã… 15 tuổi”.
Thấy đường học không hanh thông, cũng lại biết con mê con tôm con cá, bố của Bảy Bon khuyên con học hết cấp 3 thì thi vào Trường Thủy sản- vừa dễ đỗ vừa đúng sở trường. Bảy Bon gật đầu phần phật và năm đó cậu thi đỗ thật. Nhưng học xong thủy sản, run rủi thế nào, Bảy Bon lại vào làm ngành… hải quan Cà Mau.
Cuộc đời của Lý Văn Bon có lẽ sẽ không có gì đáng kể, nếu không có một ngày gặp được Philip Raden- con trai của cố Viện trưởng Viện Hải dương học Nhà Trang, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các loại cá. Hôm đó, trong khi chờ làm thủ tục nhập khẩu, Philip Raden đã kể về hành trình nghiên cứu, tìm hiểu các loại cá trên dòng Mekong cho Bảy Bon. Anh nhân viên hải quan Bảy Bon như nuốt chừng từng lời, rồi nhiệt tình xin làm hướng dẫn viên cho Philip Raden tìm hiểu dòng sông Hậu. Từ chỗ xa lạ, cả hai thành bạn tâm giao, suốt ngày lang thang trên các nhánh sông Mêkong.
Trong một chuyến tàu đến khảo sát vùng Cồn Sơn, Philip Raden khuyên Bảy Bon thử nuôi cá ở đây. Trong cuốn sổ của Philip Raden có ghi rõ: Cồn Sơn là nơi có dòng nước chảy khá mạnh, là nơi nhiều loại cá chọn để sinh đẻ. Đây cũng là khu vực còn nguồn thức ăn tốt, rất nhiều chất dinh dưỡng…
Lồng cá của Bảy Bon.
Bảy Bon bồn chồn, đứng ngồi không yên. Hồi ức về những ngày bắt cá ở rừng U Minh hiện về. Ngứa nghề quá. Nhưng Bảy Bon vẫn không dám quyết. Bữa ăn tối, Bảy Bon thuyết phục vợ. Ai dè bà ủng hộ luôn: “Hay quá. Tôi đi vay tiền cho ông nuôi cá. Ông làm hải quan lương ba cọc ba đồng, rồi ngồi nhà đá lúc nào chẳng hay (thời đó, ngành hải quan dính nhiều bê bối)”. Vậy là Bảy Bon bỏ ngành hải quan, đi vay tiền ra Cồn Sơn nuôi cá. Đó là năm 1999. Hôm chia tay cơ quan, có đồng nghiệp “chửi”: “Ngu quá trời! Với lý lịch của mày, tao chỉ cần một góc thì có thể làm ông này bà nọ. Mày bỏ ra sông nuôi cá là quá uổng”.
Gặng hỏi về cái lý lịch mà đồng nghiệp “mơ ước”, Bảy Bon cười hà hà không giấu: “Đó, bố tôi là anh hùng lực lượng vũ trang, mẹ tôi là mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh tôi là liệt sĩ, chị dâu tôi cũng là liệt sĩ…Nếu ở lại, lý lịch đó chắc cũng sẽ giúp mình thăng tiến”.
“Ngẫm lại cũng thấy, lời của đồng nghiệp không phải không có lý. Nhưng biết làm sao khi mà cái máu nuôi cá lại trỗi dậy. Bà vợ nghe tui kể lại chuyện đồng nghiệp mắng cũng xua tay hùa theo: Thôi tiếc chi anh, em bỏ bờ theo mình. Vậy là vợ tôi, cũng là bà chủ một hiệu may có tiếng ở Cần Thơ với vài chục công nhân, bỏ nghề cùng chồng xuống sông nuôi cá. ”- Bay Bon vừa nhấp chén nước trà, vừa khề khà kể.
Đời khổ như… thằng bè
2 năm đầu, cuộc đời của Bảy Bon như lên tiên. Gần chục lồng bè nuôi cá điêu hồng cho thu hoạch hàng trăm tấn, thu cả tỷ bạc. Bao nhiều nợ nần trước đó, Bảy Bon trả vèo hết cả. Ông trở nên khá giả, thậm chí nhiều người còn gọi Bảy Bon bằng một danh từ mỹ miều là “tỷ phú cá lồng bè”.
Bảy Bon đang hướng 2 con theo nghề của bố. Con trai đang quản lý bè cá, tổ chức du lịch bè cá, còn con gái ông sắp tới sẽ sang Úc sống và làm việc. “Tôi nói với cháu, sang đó con hãy tìm nơi để mở đại lý, quảng bá cho con cá của quê hương...” - Bảy Bon hào hứng. |
Từ mô hình của Bảy Bon, hàng trăm hộ dân khác cũng mở cuộc trường chinh bỏ bờ xuống sông nuôi cá điêu hồng, cá tra, basa… Cồn Sơn xưa nay vắng lặng, chỉ có mỗi nước và hoa lục bình trôi, nay trở thành một phố cá bè trên sông. Hàng trăm lồng cá san sát nhau. Đêm đến, ở trên bờ Cồn Sơn, nằm ngủ còn nghe tiếng cá quẫy đuôi ăn đêm. Còn vào mùa thu hoạch cá, tiếng ca vọng cổ, đơn ca tài tử lại vang lên không dứt.
Nhưng rồi những tháng ngày tươi đẹp đó cũng không kéo dài được lâu.
“Đó là năm 2011, chẳng hiểu từ đâu lại xuất hiện tin đồn ăn cá điêu hồng mắc ung thư. Tôi như bị sét đánh ngang tai, choáng váng. Giá cá lúc đó rớt thê thảm, từ 18.000 đồng xuống còn 8.000-9.000 đồng”- Bay Bon chua chát kể.
Giá cá xuống nhưng đau hơn nữa là cũng không ai mua. Vậy là vừa mất tiền bán cá, vừa mất tiền mua thức ăn cho vật nuôi. Bao nhiêu vốn liếng lại đổ xuống sông nhưng vẫn không cứu được mùa cá thất bát. Năm sau Bảy Bon lại vay vốn nuôi cá lại, nhưng vận đen lại quàng vào như năm trước. Lại trắng tay. Phố cá sầm uất bỗng dưng vắng lặng như tờ, hàng trăm hộ nuôi cá chỉ còn 2-3 hộ cố gắng bám trụ hòng cứu vốn. Bảy Bon cũng trụ lại ở Cồn Sơn nhưng nhà cửa phải cầm cố, khế ước vay ngân hàng ngày càng chồng dày thêm.
Buồn nhất, như ông kể, đó là những lúc rời bè lên bờ không còn ai gọi mình là ông như trước nữa, thay vào đó là “thằng bè”, “thằng cá điêu hồng gây ung thư”. Nghe những lời như xát muối vào lòng như thế, Bảy Bon lại quay về bè cá và uống rượu một mình. Rượu chán, Bảy Bon lại ca những câu vọng cổ buồn như dao cắt qua tim, với những lời não nề do mình sáng tác: "Bỏ bờ xuống nước nuôi cá nàng hai/ Bị thương lái ép giá dài dài/Anh Bon miệt mài mơ làm chả cá"...
Con rái cá trên dòng Mekong
Qua những đận đỏ đen, thất bát, năm 2012, Bảy Bon lao vào nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn Global GAP. Giải thích lý do chọn loại cá này, Bảy Bon nói cá thát lát cho thịt chắc, rất thơm ngon, thị trường luôn cần số lượng lớn nhưng cung không đủ, nên rất an tâm mở rộng nuôi. Từ khi nuôi cá thát lát, cuộc sống Bảy Bon lại trở nên khá giá. Lão lại có vốn, lại có tiền thuê nhân công và nuôi con ăn học.
Lão nông Bảy Bon gắn bó cả đời với dòng Mekong.
Đến năm 2014, rút kinh nghiệm của bao lần xương máu được mùa, mất giá, Bảy Bon lập xưởng chế biến cá thát lát, vừa bán cho các đại lý, nhà hàng trong nước, vừa xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc…
Cả buổi sáng ngồi với ông trên bè cá, nghe ông kể về cuộc chinh phục dòng sông Hậu mới thấy tài năng của con rái cá miền sông nước này. Đó là ngoài việc nuôi cá thát lát xuất khẩu, Bảy Bon còn nghiên cứu, thuần hóa nhiều giống cá tự nhiên và rất quý hiếm trên dòng sông này. Đến bè cá của ông, chắc chắn không ai không ngắm những chú cá “tên lửa” được ông khoanh nuôi trong một lồng bè nhỏ nằm cạnh bè cá lớn.
Gọi là tên lửa bởi những chú cá này chỉ cần đưa miếng mồi cách mặt nước 30-50cm là chúng sẽ dùng nước phun mạnh lên để mồi rơi xuống nước. Bảy Bon kể, ông phát hiện con cá này trong một lần ngồi ngắm sông Hậu, thấy kiểu bắt mồi lạ của nó nên giăng lưới bắt nuôi thử nghiệm. Từ 2-3 con, hiện số lượng cá tên lửa phục vụ khách tham quan đã lên hàng trăm con.
Hay là cá hồng vỹ mỏ vịt, cá cọp là hai loại cá lạ, có xuất xứ từ Nam Mỹ, được Bảy Bon thu mua từ người dân đánh bắt, mang về nuôi. Hai loại cá này ít phổ biến và chỉ được nuôi trong môi trường cá cảnh. Nhưng Bảy Bon đã nuôi trên sông Hậu vẫn sinh trưởng tốt, trọng lượng đều trên 15 kg.
Ngoài các loại cá trên, trong 30 lồng bè của Bảy Bon còn nhiều loại cá cá đặc sản nước ngọt như cá hô, cá chạch lấu, cá heo, cá éc, cá lăng, cá vồ đém, cá sát sọc…
“Mỗi lần công nhân của tôi xuống nước là cá lại rẽ đuôi chạy tung tóe. Chúng sợ đó mà. Còn tôi xuống nước là cá lại kéo đến, nhiều con còn cọ cả người vào chân, tay và lưng tôi”- Bảy Bon kể và tiết lộ thêm: “Đúng là tôi yêu cá, có thể nói chuyện cả ngày về cá. Đó có thể là cái duyên nhưng cũng có thể do mình đã gắn bó với nghề này quá lâu. 18 năm rồi chứ còn ít gì”.
Nói chưa dứt câu, Bay Bon vơ vội nắm thức ăn rồi đi thẳng ra bè cá thát lát. Ông đi đến đâu lập tức cả đàn cá bơi chạy theo. Vừa ném thức ăn cho cá, Bảy Bon vừa đưa tay xuống vỗ vỗ vào mặt nước. Chao ơi, cơ man nào là cá lả lướt dưới đôi bàn tay của ông…
Đưa con cá bơi xa
“Ông già hồi nhỏ đặt tên cho tôi là Bon, ý muốn là cuộc đời của tôi sẽ chỉ có tiến chứ không lùi, bon bon trên xa lộ của cuộc đời này. Nhưng ngẫm lại, đúng là có lúc bon nhưng cũng có thời điểm giật lùi, xuống vực chú à”- Lý Văn Bon quay về chiếc bàn còn nóng chỗ ngồi kể tiếp.
“Đúng là tôi yêu cá, có thể nói chuyện cả ngày về cá. Đó có thể là cái duyên nhưng cũng có thể do mình đã gắn bó với nghề này quá lâu. 18 năm rồi chứ còn ít gì” - Bảy Bon tâm sự vậy. Nói chưa dứt câu, Bay Bon vơ vội nắm thức ăn rồi đi thẳng ra bè cá thát lát. Ông đi đếu đâu lập tức cả đàn cá bơi chạy theo. Vừa ném thức ăn cho cá, Bảy Bon vừa đưa tay xuống vỗ vỗ vào mặt nước. Chao ơi, cơ man nào là cá lả lướt dưới đôi bàn tay của ông...
|
Cái lần giật lùi đó là năm ông trắng tay vì tin đồn cá điều hồng bị nhiễm ung thư như đã kể ở trên. Nhưng còn 2-3 lần sau này nữa, trong đó nhớ nhất là năm 2016 khi xuất khẩu cá sang Nhật, Úc bị đình trệ vì sự cố Fomorsa ở tít ngoài miền Trung nhưng cũng ảnh hưởng đến lồng cá của lão nông này. Lúc đó, cho rằng cá Việt Nam, trong đó có cá thát lát bị nhiễm độc, không an toàn, hàng loạt đơn hàng ở nước ngoài của ông bị hủy. Giá cá lúc đó giảm thảm hại, từ 90.000 đồng kg xuống còn có 17.000-20.000 đồng.
Nhưng chả lẽ cuộc đời lại chỉ có mãi câu chuyện buồn như thế? Chả lẽ không rút ra bài học gì? Bảy Bon quyết tâm rẽ lối bằng cách khác. Nếu như lần đầu thất bại, từ nuôi cá điêu hồng ông chuyển sang nuôi cá thát lát. Đến khi cá thát lát khó trụ vững, ông lại chuyển sang nghiên cứu, nuôi thêm các loại cá đặc sản, cá cảnh tự nhiên. Và khi các loại cá cảnh khó bán, ông lại xoay sang làm… du lịch bè cá.
Vậy là từ 2016 đến nay, bè cá của Bảy Bon mở cửa đón du khách. Ai đã đến ĐBSCL thì sẽ đến Cần Thơ, ai đã đến Cần Thơ chắc sẽ lại tìm đến điểm du lịch miệt vườn Cồn Sơn. Và ai đến Cồn Sơn sẽ lại ghé đến các bè cá của Bảy Bon…Hàng ngày, trên dòng sông Hậu, không khó để thấy những chiếc tàu nổ máy tí tách, rẽ sóng đến với bè cá Bảy Bon.
Hỏi về tham vọng phát triển nghề tới đây, Bảy Bon chia sẻ: "Hiện tôi đã xuất được hàng sang Nhật, sang Úc, nhưng để làm sao duy trì được 2 thị trường này cũng như mở rộng sang nhiều thị trường khác, đó là bài toán không đơn giản. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đang hướng 2 đứa con của tôi, một trai, một gái theo nghề của bố. Thằng con trai thì đang quản lý bè cá, tổ chức du lịch bè cá cho tôi, còn đứa con gái sắp tới sẽ sang Úc sinh sống và làm việc. Tôi nói với cháu, nghề của ba mẹ là vậy rồi, con cố gắng tiếp nối. Sang đó, tìm nơi để mở đại lý, quảng bá cho con cá của quê hương".
Mừng là con gái Bảy Bon rất nghe bố. Hiện cô đã quản lý khu chế biến cá thát lát xuất khẩu. Mai này đi sang bên kìa bờ đại dương, việc trực tiếp quảng bá con cá chắc cũng không quá khó…
Mải nói chuyện, kim đồng hồ đã chuyển sáng 12 giờ trưa. Những cơn mưa sáng cũng õng ẻo chấm dứt, nhường chỗ cho ánh nắng mặt trời tỏa sáng rực rỡ, chiếu sáng cả khuôn mặt Bảy Bon. Lão nông miệt sông nước bịn rin chia tay tôi, với cái nắm tay thật chặt. Trong tiếng máy nổ giòn của chiếc tàu chở đoàn sang bờ, tôi còn nghe rõ tiếng lão, ý rằng: “Lần sau về chơi phải lâu hơn, lúc đó lão sẽ làm thịt cá đặc sản, nhắm với rượu trắng Cần Thơ, rồi hát vọng cổ cho nhau nghe. Đó là những bài về cuộc đời cũng như những năm tháng trường chinh trên con sóng Mêkong của những lão nông mê cá như lão…”.
(Cần Thơ, cuối năm 2018)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.