Mòn con mắt ngắm con gái Mường mặc áo Pắn

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 04/11/2019 08:59 AM (GMT+7)
Cùng với nét văn hóa: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới" được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ trong văn học dân gian của người Mường tỉnh Hòa Bình, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường cũng có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế.
Bình luận 0

Ai đã lên vùng đất Hòa Bình không khỏi ngẩn ngơ trước dáng hình người phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống với áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài được ví như loài hoa núi rừng xinh đẹp.

Ngay từ nhỏ, người con gái Mường được các bà các mẹ dạy cách thêu thùa, dệt vải... Để có bộ trang phục truyền thống đó, người phụ nữ Mường đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết, bên cạnh đó màu sắc, kiểu dáng hoa văn hay đồ trang sức cũng hết sức đa dạng, tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường.

img

Phụ nữ Mường Hòa Bình thường mặc các trang phục truyền thống vào các ngày lễ hội, tết, đám cưới...

Hiện nay, bộ trang phục truyền thống thường được mặc vào các dịp lễ, tết. Đáp ứng nhu cầu của người mặc, ngày nay, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường được thiết kế hiện đại với nhiều màu sắc bắt mắt. Nhưng trang phục truyền thống chủ yếu có hai màu sắc chính là nâu và trắng.

img

Dù đi làm nương rẫy, phụ nữ Mường vẫn khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống rực rỡ.

Trao đổi với PV Dân Việt, cụ Bùi Thị Út, 90 tuổi, xóm Đầm (xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), cho biết: Áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Điểm nhấn của bộ trang phục Mường nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Phần này thường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau.

img

Màu sắc trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ như trang phục phụ nữ dân tộc Thái nhưng trang nhã, sâu sắc.

 Đi đôi với váy là bộ tênh, thường bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy, làm nổi eo người mặc. Bộ xà tích bằng bạc, được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước. Màu sắc trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ như trang phục phụ nữ dân tộc Thái nhưng trang nhã, sâu sắc; thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường - chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế.

"Qua bộ trang phục truyền thống xưa kia cũng thể hiện rõ được gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường” - cụ Bùi Thị Út chia sẻ.

img

Trang phục truyền thống với áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài được ví như loài hoa núi rừng xinh đẹp.

Theo cụ Bùi Thị Út, trong bộ trang phục của phụ nữ Mường, chiếc khăn trắng đội đầu có ý nghĩa quan trọng. Chiếc khăn đội trên đầu để tưởng nhớ về một mối tình không thành của một đôi nam nữ, họ yêu nhau nhưng không đến được với nhau, do hoàn cảnh và rồi cô gái bỏ đi mất tích không còn quay trở về làng nữa.

img

Phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng

Người Mường quan niệm màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao, là bầu trời, một cõi cực lạc và thoát tục. Bên cạnh ý nghĩa về màu sắc, nét tinh tế, độc đáo, mang đậm tính triết học về nhân sinh quan của văn hóa Mường còn được thể hiện rất rõ trong cách đội khăn. Chiếc nút thắt của khăn nằm ở vị trí phía trên búi tóc thể hiện cho sự yên bình. Ngoài ra, bộ trang phục còn có áo chùng (chỉ mặc trong ngày lễ hội), khăn thắt áo, cạp cấu váy, vòng bạc, vòng cườm đeo cổ, đeo tay…

img

Trong xu thế có quá nhiều sự lựa chọn trang phục, thời trang như hiện nay nhưng đa phần phụ nữ Mường ở Hòa Bình vẫn lưu giữ trang phục truyền thống, luôn trang bị cho mình ít nhất một bộ để diện trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng. 

Phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng cảm thấy tự tin, mềm mại và uyển chuyển hơn. Mỗi chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện giá trị văn hóa, mà còn cho thấy sự khéo léo của những cô gái Mường đảm đang. Khi các cô gái Mường khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ tỏa sắc giữa Tây Bắc đại ngàn. Có lẽ chính những điều này đã khiến phụ nữ Mường Hòa Bình luôn cảm thấy tự hào, khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc được truyền lại từ bao đời nay.

img

Phụ nữ Mường Hòa Bình luôn cảm thấy tự hào, khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc được truyền lại từ bao đời nay.

Có thể nói, trong việc hoàn thiện bộ trang phục truyền thống, mỗi dân tộc đều có tiêu chí riêng về cái đẹp với việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc. Mỗi họa tiết, hoa văn là một câu chuyện về thế giới quan và thể hiện những khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm những sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem