Nghề nuôi tằm Lâm Đồng xoay xở thoát “kén” chật

Văn Long Thứ ba, ngày 17/03/2020 19:26 PM (GMT+7)
Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước về ngành dâu tằm tơ. Tuy nhiên, có thực tế là dù đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, ngành dâu tằm tơ của tỉnh vẫn đối mặt không ít thách thức, nhất là nguồn trứng tằm giống vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bình luận 0

Giá trị kinh tế cao

Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, có thời điểm cả nước có 38.000ha dâu tằm, sản lượng kén đạt 26.000 tấn, ươm 2.500 tấn tơ (năm 1995). Tuy nhiên, do giá cả thị trường thế giới giảm đi một nửa, nhiều doanh nghiệp Nhà nước ở các địa phương không còn tồn tại, người dân phá dâu để trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

img

Với đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ, tỉnh Lâm Đồng đưa ra mục tiêu sản lượng tơ tằm đạt 1.900 tấn. Ảnh: Văn Long

Do Lâm Đồng chưa sản xuất được trứng tằm nên đề nghị Bộ NNPTNT giao các đơn vị trực thuộc tiếp tục nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm đảm bảo chất lượng để chủ động nguồn giống trong nước, hạn chế thấp nhất việc phụ thuộc vào nước ngoài.

Ông Đặng Vĩnh Thọ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết: “Từ năm 2007, giá tơ lụa thế giới đã bắt đầu khôi phục và phát triển. Đặc biệt, từ khi Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông, lâm nghiệp Lâm Đồng đưa ra hai giống dâu mới là S7CB và VA201, cho năng suất cao hơn gấp 3 lần so với giống dâu Bầu Đen trước đây. Các tiến bộ kỹ thuật đã đem lại hiệu quả cao cho bà con trồng dâu nuôi tằm, thu nhập trung bình từ 20 triệu đồng/ha (năm 1999) lên 280 triệu đồng/ha năm 2017. Cá biệt, có những hộ thâm canh cây dâu đã thu nhập được 600 triệu đồng/ha/năm như gia đình ông Vũ Hoa Bảy, bà Lê Thị Hạnh (thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng)”.

Ông Thọ cũng cho biết, Lâm Đồng hiện nay đã đầu tư chủ yếu máy ươm tơ tự động, nguyên liệu kén tằm để phục vụ cho việc ươm tơ phải là kén lưỡng hệ lai có chiều dài tơ đơn từ 700 - 800m trở lên. Tuy nhiên, giống tằm lai từ nguyên lưỡng hệ đều nhập khẩu 100% từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, đây cũng là một thách thức lớn đối với ngành dâu tằm tơ Việt Nam.

Trong năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023. Với đề án này, mục tiêu đưa diện tích trồng dâu toàn tỉnh đạt 9.500 - 10.000ha với sản lượng lá dâu đạt hơn 200.000 tấn, sản lượng tơ tằm đạt 1.900 tấn để phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Với nhu cầu trứng tằm lưỡng hệ khoảng 270.000 hộp/năm (giá trị khoảng 60 tỷ đồng), toàn bộ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi việc sản xuất trứng tằm lưỡng hệ trong nước chưa đáp ứng được thì việc nhập khẩu chính ngạch đang gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung, với số lượng bình quân 100 hộp/cơ sở/tháng vào mùa nắng và 200 hộp/cơ sở/tháng vào mùa mưa, nên nhu cầu trứng tằm lưỡng hệ của người dân rất lớn”.

Cần tháo gỡ khó khăn

Cũng theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ,  ngành sản xuất dâu tằm tơ của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lớn nhất vẫn là việc trứng tằm giống của cả nước vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giống tằm này vẫn chưa được kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc. Bên cạnh đó, công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành được các liên kết sản xuất dâu tằm gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Năng suất kén vẫn thấp hơn hơn so với trung bình thế giới, bệnh hại tằm gây tổn thất lớn nhưng chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức, đào tạo, nghiên cứu chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của sản xuất.

Chính vì vậy, ông Sơn mong muốn, Bộ NNPTNT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Lâm Đồng được nhập khẩu trứng tằm theo đường chính ngạch phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp nhập khẩu trứng tằm giống tìm các nguồn cung cấp giống từ các nước khác ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem