Đầu năm cùng ngư dân “mở biển”
Đối với ngư dân xứ Quảng, việc “mở biển” đầu năm có nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc “mở biển” được ngư dân tổ chức theo quy định, những chiếc tàu nối đuôi nhau trong lễ xuất hành đầu xuân là tàu đánh bắt đạt sản lượng cao và được làng chài tiến cử tham gia lễ “mở biển” để lấy may cho cả làng trong ngày đầu năm mới. Số tàu còn lại thì xếp thành nhiều hàng chạy nối đuôi nhau theo sau.
Tàu thuyền xư Quảng rộn ràng “mở biển” lấy lộc đầu năm. Ảnh: T.H
Mỗi tàu đều được treo đầy băng-rôn, khẩu hiệu “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, còn trên bong tàu cờ Tổ quốc tung bay, đỏ rực một vùng biển...
Ngư dân Phạm Văn Được (trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) - chủ tàu QNa-95428 TS cho biết: "Để chuẩn bị cho một năm vươn khơi bám biển, ngư dân sẽ đưa tàu lên nề làm nước (gọi là tu sửa lại tàu đón năm mới - PV). Hàng năm, cứ sáng mồng 1, tàu của tôi cùng anh em bạn bè khắp nơi đều chạy xuất hành lấy lộc đầu năm. Trước khi xuất bến, sẽ có 4 nghi thức “cúng cầu an” cho năm nay ra khơi trời yên biển lặng, một năm làm ăn phát đạt, đánh bắt được nhiều thủy sản...”.
“Lộc” biển đầu năm của ngư dân xứ Quảng. Ảnh: T.H
Cùng với nghi thức cúng, nhiều ngư dân còn phóng sinh bằng việc thả cá, thả tôm xuống sông, biển. Sau tất cả các thủ tục quan trọng xuất bến lấy lộc, một số tàu thuyền neo đậu sát bên nhau để vui mừng, cùng chúc năm mới, lì xì cho nhau và chia sẻ kinh nghiệm hành nghề trên biển, nhất là việc tương trợ giúp nhau khi có tàu, thuyền nào gặp sự cố.
Không riêng gì tàu của ngư dân được, mà hàng trăm chiếc tàu ở TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đều xuất bến lấy lộc đầu năm.
“Ngư dân chúng tôi cả đời sống vì biển, biển không những nuôi chúng tôi lớn nên người mà còn nuôi cả vợ con, gia đình tôi nên chúng tôi quyết vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền là điều tất nhiên. Ngoài ra, hàng năm, ngư dân còn có tục lệ cầu an, cầu cho một năm biển lặng, sóng yên, với mong muốn trong năm mới tàu của tôi đánh bắt được nhiều nguồn hải sản các loại, bán với giá cao để mau thu hồi vốn cũng như có nguồn thu nhập cho các anh em thuyền viên trên tàu” - ngư dân Nguyễn Minh Hòa tâm sự.
“Lộc” đầu năm
Bên cạnh việc “mở biển” của tàu thuyền công suất lớn, ở các cửa sông, người dân làng chài cũng tổ chức lấy lộc theo kiểu “ăn chắc”. Người dân làng chài ven sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang…, đoạn chạy qua huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ vẫn gắn bó với nghề thả lưới lồng. Ngày tết giá tôm cá tăng gấp đôi, có lúc gấp ba, thả lưới từ đêm đến sáng, ngư dân thu vào tiền triệu, người dân gọi đây là lộc đầu năm…
Ngư dân Trần Xuân Quang (trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Mỗi dịp tết đến xuân về, tôm cá nhiều nên trung bình một ngày thả khoảng 50 cái lưới lồng có thể bắt được khoảng 3-4kg/cá các loại, 1kg tôm. Ngày tết, giá tôm cá cũng tăng gấp đôi, mỗi kg tôm đất hiện nay giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg nên mỗi chuyến thu vào hơn 500.000 đến 1 triệu đồng…” - ông Quang phấn khởi.
Bên cạnh đó, những ngày đầu năm mới dọc bờ biển Quảng Nam, ngư dân cũng bắt đầu vào mùa hành nghề khai thác tôm nhí. Để bắt được nhiều tôm nhí, ngư dân phải trắng đêm mới săn được “lộc biển”.
Có mặt tại bãi biển của xã Tam Hải và xã Tam Tiến, huyện Núi Thành vào mỗi buổi sáng, cảnh tấp nập người mua, người bán tôm hùm con rộn ràng như một cái chợ. Tại đây, trung bình một đêm vài chục chiếc thuyền hoặc thúng chai, từ 2 - 3 người thả lưới mành có thể bắt được 10 - 20 con tôm nhí, mang về thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều thuyền, thúng gặp may mắn bắt được nhiều tôm nhí có thể kiếm hàng chục triệu đồng/đêm.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2019 tổng số lượng tàu cá toàn tỉnh là 3.034 chiếc. Toàn tỉnh có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia. Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 115.000 tấn/113.000 tấn kế hoạch, đạt 101,76% kế hoạch.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.