Người Mông mổ lợn, mổ gà và giã bánh dày đón tết

PV Tây Bắc Thứ ba, ngày 31/12/2019 13:09 PM (GMT+7)
Khi mùa xuân về, hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng cũng là lúc đồng bào Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La lại rộn ràng đón tết, với nhiều phong tục độc đáo. Để chuẩn bị cho 1 cái tết đoàn viên bên gia đình, người Mông thường mổ lợn, mổ gà, giã bánh dày làm mâm cơm cúng tổ tiên.
Bình luận 0

Người Mông là một trong những dân tộc có phong tục tết cổ truyền đậm đà bản sắc và được gìn giữ lâu đời. Trước đây, do cách tính lịch khác nhau nên tết của người Mông diễn ra trước tết Nguyên đán 1 tháng.

Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 tết.

img

Để chuẩn bị cho ngày tết ấm cúng sung túc bên gia đình, người Mông thường mổ gà, mổ lợn.

Hàng năm vào trước ngày 30/11 âm lịch, ở khắp các bản làng người Mông nhà nào nhà nấy đều tạm gác mọi công việc thường ngày để tập trung sửa sang nhà cửa, thay mới ban thờ, mổ lợn, làm bánh dày để chuẩn bị đón tết truyền thống.

Tất cả các dụng cụ canh tác như cày, cuốc, xẻng, dao, cào… đều được gia chủ dán giấy niêm phong rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ, 10 ngày sau mới được lấy ra sử dụng canh tác. Trong dịp này, người Mông luôn thờ ma nhà và những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật. Việc thờ ma nhà cũng là dịp cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe và mùa màng bội thu.

img

Chị Hàng Thị Súa, bản Hua Tạt đang ngâm gạo nếp để đồ chín làm nguyên liệu giã bánh dày.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Hàng Thị Sông, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), cho biết: Ngày 30 trước thềm năm mới, chúng tôi sẽ dùng một con lợn và gà trống cúng ma nhà (tổ tiên). Chúng tôi mổ gà trống để cúng tế rồi lấy lông gà đính lên các mảnh giấy hình răng cưa cắt sẵn, dán lên các đồ vật trong nhà, dán lên kèo nhà, cột trụ và phía trên cửa chính để xua đuổi tà ma. Khi thực hiện nghi lễ thờ này không thể thiếu gà trống, vì theo quan niệm của người Mông gà trống tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho bản làng.

img

Để chuẩn bị cho 1 cái tết đoàn viên, bà con người Mông thường mổ lợn, mổ gà giã bánh dày.

Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu thường ăn tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Đêm giao thừa của người Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 tết.

Vào thời điểm này, các thành viên trong gia đình đều ngồi quây quần bên bếp lửa, hát những bài hát truyền thống đón xuân hoặc ôn lại những kỷ niệm,những câu chuyện của năm cũ. Sau đó họ bàn về những dự định và công việc trong năm mới sẽ làm những gì, để nâng cao mức sống và chi tiêu trong gia đình được thoải mái hơn.

img

Tất cả các dụng cụ canh tác như cày, cuốc, xẻng, dao, cào… đều được gia chủ dán giấy niêm phong rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ, 10 ngày sau mới được lấy ra sử dụng canh tác.

Bà Hàng Thị Sua, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ cho hay: "Theo phong tục ngày mùng 1 chúng tôi chỉ đi chúc tết, ăn cơm, uống rượu và không được tiêu tiền. Tết thường diễn ra trong 3 - 5 ngày, mỗi gia đình đều chuẩn bị 1 con lợn, bánh dày, rượu ngô, mâm cơm để làm cỗ mừng đón năm mới phát lộc phát tài. Từ ngày mùng 4, chúng tôi mới bắt đầu chơi tết, những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được chúng tôi trưng diện trong dịp này".

img

 Ngày tết của người Mông không thể thiếu rượu ngô.

img

Người Mông rất thích có khách tới chơi nhà trong những ngày tết. Họ quan niệm nhà nào mời được khách đến chơi, sẽ gặp may mắn trong cả năm mới.

Tết cổ truyền của người Mông còn là dịp để các chàng trai cô gái Mông tìm hiểu nhau. Từ sáng sớm, họ đã chuẩn bị quần áo mới tập trung tại một số địa điểm như nhà văn hóa, sân bóng đá để chơi trò ném pao, đánh tu lu, đánh cù, giã bánh dày. Đến tối, các đôi trai gái cùng nhau quây quần bên mâm cơm, mâm rượu để hàn huyên trò chuyện. Nhiều đôi trai gái trong bản Hua Tạt đã nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào tết cổ truyền.

img

Người Mông ăn tết thường vào dịp lạnh nhất trong năm, kéo dài từ 3 – 5 ngày.

Là 1 du khách đến tham quan trải nghiệm tết cổ truyền của đồng bào Mông, anh Nguyễn Xuân Tuấn, đến từ Hà Nội, hồ hởi cho biết: “Khi đặt chân đến vùng cao, tôi thấy bầu không khí chơi xuân rất nhộn nhịp và vui tươi. Tôi thấy trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy truyền thống của người Mông tung xòe trên khắp các nẻo đường. Tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ và chàng trai Mông đi chơi xuân khiến tôi rất thích thú”.

img

Các chàng trai người Mông đang giã bánh dày ngày tết.

Trong ngày tết của mình, người Mông rất thích có khách tới chơi nhà. Họ quan niệm nhà nào mời được khách đến chơi, sẽ gặp may mắn trong cả năm mới. Khách tới chơi nhà những ngày này sẽ được mời uống chén rượu đôi (một nghi thức truyền thống của người Mông). Chén rượu đôi không chỉ thể hiện lòng hiếu khách mà còn là chén rượu giữa những người bạn tâm giao, cùng chúc tụng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Trước lúc ra về sẽ được các gia chủ biếu bánh dày để tỏ lòng quý khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem