Người sở hữu vườn dược liệu hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam

Lê San Thứ năm, ngày 09/02/2017 19:30 PM (GMT+7)
Về tận vùng đồi núi hẻo lánh của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cải tạo đất đồi, chị Nguyễn Thanh Tuyền và các thành viên của Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam đã tạo ra một vườn bảo tồn dược liệu tư nhân theo hướng hữu cơ đầu tiên với nhiều bài thuốc quý.
Bình luận 0

Đi tìm cây thuốc quý

Nhiều năm qua, chị Thanh Tuyền bỏ tất cả mọi việc đang làm để vào vùng núi hẻo lánh của huyện Sóc Sơn lập vườn dược liệu. Mảnh đất đồi hoang vu nhiều năm trước đã thành khu vườn rộng 5ha với hệ thống nhà lưới, vườn ươm khang trang, trong đó có hơn 60 loại thảo dược quý được trồng bảo tồn và 5 loài trồng phát triển theo hướng thương mại.

img

Cây chè vàng được trồng trên diện tích 4ha ở vườn dược liệu.  Ảnh: L.S 

Tôi đang có ước mơ trồng một vườn hoa dược liệu ở mặt sau của sân bay Nội Bài (Sóc Sơn). Cánh đồng này sẽ thay thế cho cây lúa, cây ngô bà con đang trồng, nhưng mang lại hiệu quả hơn rất nhiều lần, và còn có thể làm du lịch”.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền

Thay bộ quần áo làm việc, chị Tuyền đi như không biết mệt lên những quãng đồi dốc, tay chỉ miệng nói tên từng loại cây thuốc, từ cây to cho đến những cây cỏ nhỏ xíu là là trên mặt đất và công dụng của nó. Người nghe có thể không biết rõ, thậm chí không nhớ được tên cây, nhưng vẫn cảm nhận được niềm đam mê và tình yêu của chị dành cho mảnh vườn dược liệu này.

“Ở đây được trồng nhiều nhất là cây trà hoa vàng, chiếm gần 4ha. Cây này là dược liệu quý. Lá và hoa vàng sắc uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận. Trên thế giới có khoảng 196 loài trà, trong đó Việt Nam có khoảng 26 loài, tôi đã sưu tập được 22 loài” – chị Tuyền cho hay.

Theo đuổi bảo tồn dược liệu gần 15 năm, chị Tuyền có không ít trăn trở. Chị chia sẻ: “Với cách làm như hiện tại, khai thác tận diệt, và chủ yếu bán sản phẩm thô, nên nguồn dược liệu quý của chúng ta ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam rất thích hợp để các cây dược liệu phát triển. Sống trong môi trường có nhiều cây thuốc quý nhưng chúng ta lại không biết trân trọng nó. Công việc của tôi ngày trước được tiếp xúc với người Nhật nhiều. Tôi thấy họ rất thích mua dược liệu của Việt Nam vì điều kiện khí hậu tốt, cho ra sản phẩm rất tốt nhưng lại phải chuyển sang mua của Trung Quốc, hoặc Lào vì khi trồng sản phẩm này mình cũng lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), làm ăn xổi, không nghĩ về sau. Vì vậy tôi và các cộng sự của mình mới lập nên vườn dược liệu này. Một phần nhằm bảo tồn và phát triển những cây dược liệu quý của Việt Nam, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các công ty dược, hướng đến phát  triển kinh tế bền vững cho nông dân, bảo vệ môi trường...”.

Hành trình đi gom góp, sưu tầm những cây thảo dược, dược liệu của chị Tuyền cũng không hề đơn giản. Hầu hết các cây đều phải vào tận những vùng xa xôi, thậm chí rừng sâu, núi thẳm mới lấy ra được. Có cây thuộc vườn bảo tồn, phải xin giấy phép của cơ quan chức năng mới có được mấy cây về bảo tồn nguồn gen. Hay như cây đàn hương, chị Tuyền sang tận Ấn Độ để lấy giống và xin cấp phép để mang về trồng. Hoặc như loại oải hương phải lấy giống ở Pháp để nhân giống và trồng rộng rãi.

Vườn dược liệu hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam

Học theo văn hoá của người Nhật, trân trọng cây cỏ, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, chị và các cộng sự chọn cách làm theo hướng hữu cơ, cải tạo đất đồi, sử dụng nguồn nước tự nhiên để phun tưới, không dùng bất cứ chất hoá học nào tác động vào cây. Nhưng không phải nông dân nào cũng quen với cách làm này.

“Khi tôi bắt tay vào xây dựng vườn dược liệu sạch ở đây và hợp tác với nông dân để trồng dược liệu, họ cũng nghi ngờ nhiều lắm, bởi vốn dĩ người dân ở đây chỉ trồng sắn, cây ăn quả và chè. Họ bảo, trồng cây gì ăn được chúng tôi còn bán được, chứ trồng dược liệu nếu không bán được chúng tôi biết làm sao! Nhưng rồi thuyết phục dần dần, họ đã thay đổi tư duy cho đến bây giờ…” - chị Tuyền kể.

Chị Tuyền cho biết thêm, vườn dược liệu của chị chỉ dùng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf. Người dân từ trước tới nay đã quen với việc cây trồng có bệnh mới phun thuốc, chứ chưa ai nghĩ tới phải phun phòng từ trước để bảo vệ cây. Việc phun trước này cũng giúp cho bộ rễ của cây phát triển tốt hơn. “Chăm sóc theo cách này chi phí có thể cao hơn rất nhiều so với thông thường nhưng chỉ cần cây khỏe mà an toàn cho con người, chúng tôi vẫn sẽ áp dụng” – chị Tuyền cho hay.

Từ cánh đồng thảo dược ở xã Bắc Sơn, đến nay chị Tuyền còn phát triển thêm 2 vùng dược liệu khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nâng tổng diện tích trồng cây dược liệu lên 13ha. Trong đó, xã Bắc Sơn có 5ha, Xuân Giang 5ha và Trung Giã 3ha. Ở 3 vùng sản xuất này, hình thức liên kết có sự khác biệt. Tại Bắc Sơn, chị thuê đất và thuê chủ đất trồng, chăm sóc dược liệu. Trong khi ở xã Trung Giã chị lại liên kết với nông dân cùng đầu tư. Còn tại xã Xuân Giang là sự liên kết với hợp tác xã địa phương để tổ chức trồng dược liệu. Theo chị Tuyền, mỗi hình thức đầu tư có những ưu điểm riêng. Ví như khi liên kết với nông dân sẽ trồng cây dược liệu ngắn ngày để nhanh khép lại chu kỳ sản xuất, sớm chia lợi nhuận cho nông dân, còn với hình thức tự thuê đất của dân để trồng thì chọn đầu tư cây lâu năm.

Theo chị Tuyền, trồng dược liệu mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Đối với cây râu mèo - một loại dược liệu trị bệnh sỏi thận, sỏi túi mật... trồng một lần có thể cho thu hoạch 5-6 năm, giá trị thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Cây trà hoa vàng trồng 5-6 năm mới cho thu hoạch nhưng bà con có thể tận dụng trồng xen các loại hoa dược liệu để lấy ngắn nuôi dài, giá trị khi thu hoạch đạt hàng tỷ đồng/ha/năm.

Cả 3 vùng sản xuất của chị Tuyền liên kết với nông dân Sóc Sơn đều đã được Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) xác nhận mô hình sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ bền vững. Mô hình đáp ứng được các tiêu chí về đất sạch, nước sạch và sử dụng phân bón theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP…

Hiện, cây dược liệu ở Sóc Sơn được các công ty dược bao tiêu sản phẩm. Một số loại dược liệu được chị Tuyền chế biến thành các sản phẩm như trà hoa vàng, trà thảo mộc, tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm thảo dược… cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài. 

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem