Nông dân hội nhập quốc tế: Liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị

Phương Đông Thứ năm, ngày 19/11/2015 09:52 AM (GMT+7)
Nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập quốc tế. Do đó, cần hỗ trợ, hướng dẫn nông dân liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị... Đó là chia sẻ của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Các vấn đề chính sách liên quan đến sinh kế của người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”…
Bình luận 0

Buổi tọa đàm do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức hôm qua 18.11 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng.

“Đã nghèo lại mắc cái eo”

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh đến từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN PTNT) đã làm “nóng” buổi tọa đàm bởi những thông tin tổng quan về cơ hội và thách thức khi Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bà Hạnh lý giải, trong AEC, ND, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các quốc gia mạnh về nông nghiệp như Thái Lan và Malaysia mà còn phải cạnh tranh với “đối thủ đáng gờm” có tiềm năng phát triển rất nhanh như Myanmar.

“Myanmar mới hội nhập thôi mà đã xuất siêu sang ta tới hơn 58 triệu USD nông sản năm 2015, trong khi nông sản của ta chưa sang nước này được…”- bà Hạnh cho biết. Theo bà Hạnh, Hiệp định TPP có độ mở rất lớn so với AEC và sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam phải cạnh tranh rất “khốc liệt” với các cường quốc như Mỹ, New Zealand. Kể cả Canada, Peru, Mexico chăn nuôi cũng có lợi thế hơn Việt Nam.

img

Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh:  P.Đ

TS Đặng Kim Khôi- Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cũng chỉ rõ những tác động tiêu cực của hội nhập đối với ND. Ông Đặng Kim Khôi đã “vẽ” ra diện mạo của người ND với các “mảng màu khổ sở” khi đối mặt với hội nhập như sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập thấp; rủi ro cao, khả năng chống đỡ cú sốc kém; tỷ lệ thương mại thấp; tiếp cận thông tin yếu; chưa liên kết vào chuỗi giá trị; chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản…

Còn ông Hoàng Trọng Thủy-nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới sau khi “kiểm kê” một loạt những tác động “chưa như mong muốn” của chính sách về đất đai, vốn, kinh tế tập thể… đã cho rằng, “ND đã nghèo lại còn mắc cái eo”. “ND hội nhập ra sao khi thuế, phí, lệ phí cao gấp 1,4-3 lần so với khu vực; ND gánh tới 131 khoản đóng góp, 432 khoản phí, lệ phí và có tới 46% hộ ND không vượt qua được cú sốc về kinh tế do không có tích lũy tài chính?”- ông Thủy đặt dấu hỏi.

Hành trang hội nhập

" Những giải pháp đưa tại buổi tọa đàm sẽ được T.Ư Hội NDVN tiếp thu. Trước hết, các tham luận, ý kiến sẽ góp phần giúp T.Ư Hội NDVN làm sáng tỏ hơn một số vấn đề trong đề án xây dựng hình mẫu người nông dân mới...”.
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng

Hầu hết các tham luận, ý kiến chia sẻ tại buổi tọa đàm ở phần giải pháp đều tập trung vào “hiến kế” để giúp ND có “đủ hành trang” trên bước đường hội nhập.

Không phải ngẫu nhiên mà các đại biểu đều “chúng khẩu đồng từ” khi khẳng định: Hành trang để ND hội nhập phải là liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. TS Đặng Kim Khôi cho rằng, bên cạnh tham khảo, học hỏi cách thức hỗ trợ trực tiếp cho ND; hỗ trợ thương mại; giảm thiểu rủi ro như ở các nước, thì Nhà nước cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ ND qua, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chú trọng chương trình đào tạo để ND sản xuất theo hướng sạch hơn.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh cho rằng, để “hóa giải” được thách thức trong hội nhập, ND làm nông nghiệp phải được đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất qua đó tăng năng suất, chất lượng nông sản; Nhà nước làm tốt công tác cung cấp thông tin, dự báo thị trường…Ông Hoàng Trọng Thủy ­­đề nghị cần bổ sung tổ hợp tác liên kết sản xuất của ND cũng là đối tượng được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 62/2013 của Thủ tướng Chính phủ. 

  Giúp ND không phải kiểu “mạnh ai nấy chạy” mà là giúp họ có kiến thức, kỹ năng hợp tác. Nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thì phải hợp tác liên kết. Hạn chế rủi ro về thời tiết, thiên tai và thị trường cho ND thì cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Cần thay đổi tư duy làm chính sách là phải tạo cơ chế, hành lang pháp lý để tự doanh nghiệp, ND làm, hạn chế hỗ trợ trực tiếp, gây tâm lý trông chờ, ỷ lại; hãy tư duy đồng hành cũng ND, doanh nghiệp, bỏ tư duy hành doanh nghiệp, không quản lý được thì cấm là sai với bản chất của hội nhập…”.

Ông Nguyễn Trí Ngọc-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

  Hỗ trợ ND hội nhập thì cần phải tăng cường hệ thống tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thương hiệu nông sản; thiết lập các hợp tác xã, nhóm ND sản xuất bên cạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững quy mô nông hộ trong đó đa dạng hóa sản phẩm có thế mạnh vùng, phân khúc thị trường đặc thù…”.

Bà Hoàng Thị Lụa - đại diện Tổ chức Nghiên cứu nông lâm thế giới tại Việt Nam

Đông Hoàng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem