Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, do tình hình dịch ASF phức tạp, bùng phát ở nhiều nơi nên đã khiến tổng đàn heo trong tỉnh giảm đáng kể, hiện tỉnh chỉ còn hơn 1,5 triệu con.
Ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc HTX Tiên Phong (TP.HCM), chăm sóc đàn heo giống.
Trong đó, lượng heo từ các trang trại chiếm 75%, tương đương khoảng 1,2 triệu con. Nếu tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhất là vào dịp lễ, Tết thì nguy cơ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá thịt heo tăng cao.
Ông Võ Hữu Thời (Long Thành, Đồng Nai) cho biết, đang có kế hoạch tái đàn heo. Trước mắt, ông sẽ đầu tư 1.000 heo giống, sau đó lấp đầy trại với khoảng 4.000 con.
“Nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, tôi dự định tái đàn heo. Thay vì đầu tư heo con tôi sẽ chọn heo lớn hơn để rút ngắn thời gian chăn nuôi, nhằm giảm bớt nguy cơ thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi”, ông Thời thổ lộ.
Tuy nhiên, ông cũng đắn đo với kế hoạch này trước tình hình dịch ASF khó lường.
Trong khi đó, tại xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An, Long An), ông Nguyễn Hữu An cho biết, vừa bán 51 con heo với giá 5,5 triệu đồng/tạ.
Theo ông An, với giá tuần bán ra như hiện nay, bình quân mỗi con heo ông có lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng.
Theo ông An, nếu như không có dịch ASF, ở những dãy chuồng heo vừa xuất heo bán, ông sẽ nhập lại khoảng 200 con heo giống về nuôi để cung cấp thị trường dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán.
Tuy vậy, cũng như ông Thời, hiện ông An khá băn khoăn có nên nhập heo về chăn nuôi hay tạm dừng một thời gian để dịch ASF lắng xuống.
Hiện, rất ít nông hộ nhỏ lẻ dám tái đàn heo.
Theo ông Nguyễn Tấn Hậu – Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Tám Do (Đồng Nai), tình hình nông dân ngại tái đàn heo là có thật, dù giá heo đang cao, thị trường Tết đang đến.
“Hiện, những nơi nông dân tái đàn là những trại heo có 200 – 300 nái. Họ tái đàn một phần cũng do có công ty sản xuất thức ăn đứng sau hỗ trợ. Nông hộ nuôi heo nhỏ lẻ rất ít dám tái đàn”, ông Hậu thông tin.
Được biết, hiện nay, trước dịch ASF, nhiều doanh nghiệp có trang trại heo giống đi kèm sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều hình thức phối hợp người chăn nuôi.
Theo đó, công ty sẽ hợp đồng cùng hộ chăn nuôi bằng cách đưa heo con xuống cho hộ chăn nuôi và cung cấp thức ăn. Trong quá trình chăn nuôi nếu đàn heo bị nhiễm dịch ASF, công ty sẽ không lấy tiền heo con nhưng hộ chăn nuôi phải trả tiền thức ăn công ty cung cấp. Nếu chăn nuôi thành công, hộ chăn nuôi sẽ thanh toán tiền heo con lẫn thức ăn vào đợt xuất chuồng.
Theo ông Thời, mặc dù công ty có nhiều ưu đãi như thế, nhưng đa số hộ chăn nuôi đều ngập ngừng nhập heo con về nuôi mới, bởi dịch ASF đang diễn biến rất khó lường.
Cũng vì điều lo lắng này, mà hiện tại nhiều trại sản xuất giống heo có sức cung heo giống đang khá thấp, thậm chí “đóng băng”.
Ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc HTX Tiên Phong (TP.HCM), chuyên cung cấp heo giống cho biết, lượng heo giống cung ứng cho thị trường hiện nay của HTX vẫn khá “nhỏ giọt”. “Nông dân rất ngại tái đàn heo vào thời điểm này vì sợ bị dịch bệnh tấn công”, ông Thắng chia sẻ.
Còn ông Hậu cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Hiện, heo giống có giá 100.000 – 115.000 đồng/kg.
“Người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn heo nái vì đây là bài toán đầu tư lâu dài với sự chuyên nghiệp cao để tránh ASF”, ông Hậu cho biết.
Theo khuyến cáo, trong tình hình còn ASF, người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn heo nái.
Riêng với tình trạng khan hiếm nguồn cung heo giống, ông Hậu cho rằng, Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp chăn nuôi heo tiếp cận quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư ưu đãi để phát triển đàn heo nái, sản xuất giống heo con cung cấp cho người chăn nuôi.
Hiện Bộ NN&PTNT đang tính đến các biện pháp bình ổn thị trường thực phẩm từ nay tới cuối năm, trong đó nóng nhất là mặt hàng thịt heo. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng tái đàn heo, chỉ nên tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh ASF.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.