Ông Nguyễn Thành Đẳng - Phó Giám đốc Ngân hàng NNPTNT (Agribank) huyện Hóc Môn, nhận định: “Thành phố đã có các chính sách “trải hoa hồng” để khuyến khích người nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo các Quyết định 13/2013, Quyết định 04/2016...
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn, nhất là với các hộ nông dân muốn mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ mới”.
Vẫn “gặp khó” ở khâu định giá đất, tài sản
Dù giữ vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng "tam nông" trên địa bàn huyện Hóc Môn với tỷ trọng cho vay lĩnh vực này lên đến 57% tổng dư nợ (khoảng 1.282 tỷ đồng) trong năm 2017 vừa qua, nhưng Agribank Hóc Môn vẫn chưa hài lòng về kết quả đó.
Chị Nguyễn Thị Hạ bên vườn lan vũ nữ hình thành từ vốn vay hỗ trợ theo Quyết định 04. Ảnh: Quốc Hải
Theo ông Đẳng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện rất muốn mở rộng quy mô, đầu tư thêm công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nhưng do khung giá đất của huyện vẫn rất thấp nên rất khó để định giá đúng tài sản. Vì vậy, dù có lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng được thành phố ủng hộ bằng các quyết định hỗ trợ lãi suất nhưng trên địa bàn huyện vẫn có khá ít các mô hình này mà chủ yếu vẫn là các hộ gia đình canh tác theo mô hình VietGAP, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ vay theo hình thức tín chấp.
“Thông thường, 1ha trồng lan đòi hỏi nguồn vốn lên tới vài tỷ đồng, nhưng do khung giá đất khá thấp so với thị trường, nếu vay thế thấp thì Agribank cũng cố gắng giải quyết cho vay tối đa khoảng 70% giá trị đất. Song khoản này cũng rất thấp so với nguồn vốn cần có để phát triển đầu tư” - ông Đẳng cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sỹ Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho rằng, hiện nay rất nhiều người dân nội thành về Hóc Môn thuê đất làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhưng “vướng” bởi việc định giá, xác định quyền sở hữu... dù tài sản đầu tư trên đất là rất lớn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ những chính sách này để người dân tiếp cận nguồn tín dụng rất cần sự vào cuộc của các ban ngành.
Tìm cách “chống lưng” cho nông dân
Mặc dù phải đảm bảo các nguyên tắc về tài sản thế chấp, về bảo toàn vốn, tránh nợ xấu, nhưng sau khi thẩm định, dự án nào tốt, có tính khả thi cao thì Agribank Hóc Môn vẫn “linh động” giải quyết cho vay với mức cao nhất (có thể gần 70% tổng vốn đầu tư). Nhờ đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ nhanh chóng thoát nghèo mà còn vươn lên thành những tỷ phú về trồng lan, rau sạch...
Chẳng hạn, gia đình chị Nguyễn Thị Hạ (ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn), từ Hải Phòng vào huyện Hóc Môn làm thuê năm 2003. Đến năm 2009, chị Hạ vay Agribank 90 triệu đồng để trồng lan và mở rộng sản xuất nhưng vẫn chỉ tạm “đủ ăn, đủ sống”. Năm 2013, chị Hạ quyết định “chơi lớn” khi đầu tư trang trại lên đến 3 tỷ đồng, song các điều kiện về thủ tục cho vay cũng chưa đáp ứng vì phần lớn diện tích trang trại là đất thuê.
Tuy nhiên, với tính khả thi cao của dự án, Agribank Hóc Môn vẫn quyết định “chống lưng”, duyệt cho chị Hạ vay 1,5 tỷ đồng. Quyết định đó đến nay đã đem lại “quả ngọt” khi doanh thu của gia đình chị Hạ hiện tại từ 4 - 5 tỷ đồng/năm.
Không chỉ chị Hạ, khá nhiều nông dân ở huyện Hóc Môn như chị Nguyễn Thị Hường (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp) với dự án bò sữa; bà Lê Thị Mỹ Phước (xã Bà Điểm) với dự án trồng lan... đều đã thu hoạch “quả ngọt” nhờ hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ từ các Quyết định 13, 04... thông qua nguồn vốn của Agribank.
Ông Nguyễn Thành Đẳng trăn trở, chi nhánh đang triển khai giảm tiếp 0,5% lãi suất theo cam kết với Thủ tướng. “Để tháo gỡ nút thắt tín dụng, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ... đã liên kết với các đầu mối tiêu thụ lớn như Big C, Saigon Co.op để thực hiện hình thức bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở này, Agribank sẽ linh động giải quyết cho doanh nghiệp vay vốn tín chấp dựa trên các khoản phải thu” - ông Đẳng nói.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP.HCM, trong suốt giai đoạn 2011-2017, các ngân hàng thương mại, trong đó nổi bật là Agribank đã cho vay khoảng trên 6.800 tỷ đồng đối với các dự án phát triển nông nghiệp đô thị theo chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách của TP.HCM. Riêng các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017 các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã cho vay khoảng 2.400 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.