Dân ôm nợ khủng
Từng là "thủ phủ" nuôi lợn của tỉnh Hưng Yên nhưng giờ tại các xã của huyện Văn Giang vắng lặng lạ thường, có đi khắp làng cũng không nghe thấy tiếng lợn kêu. Tìm hỏi nhiều người, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. "Giờ còn nhắc đến lợn làm gì, đau buồn, thảm hại lắm rồi" - bà Nguyễn Thị Tất (70 tuổi) ở thị trấn Văn Giang nói.
Ông Bạch - chủ trại lợn ở Gia Bình (Bắc Ninh) nhờ người chích điện giết lợn để đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Trần Quang
"Bây giờ những tài sản còn lại như nhà cửa, đất đai, hoa màu... cũng đều là của người ta rồi, họ lấy lúc nào được lúc đó, kể cả họ đẩy 3 ông cháu tôi ra đường, chúng tôi cũng phải chịu thôi”.
Ông Trương Văn Vũ
|
Cứ nhắc đến chuyện nuôi lợn, bà Tất lại chảy nước mắt. Nhớ lại thời "hoàng kim" của nghề, bà Tất cho biết, khoảng trước năm 2016 có lúc trong trang trại của gia đình bà và các con có hàng nghìn con lợn, hàng trăm con nái ngoại, khách mua nuôi và lái buôn vào ra tấp nập, có ngày tiền thu về lên tới cả tỷ bạc là chuyện thường. Nhưng bây giờ, hình ảnh đó chỉ còn là dĩ vãng, thứ còn lại là những khu chuồng trống hoác và khoản nợ khủng lên đến chục tỷ đồng chưa biết khi nào mới trả được.
Để chạy lo trả nợ và nuôi sống gia đình, vợ chồng hai đứa con trai của bà Tất phải bỏ lên thành phố làm nghề xe ôm, bốc vác để mưu sinh, họa hoằn mới về thăm nhà. "Nợ nhiều quá nên chúng nó không dám về, có về thì cũng chui lủi trong xó nhà, không dám lộ mặt ra ngoài đường vì sợ người ta thấy đòi tiền" - bà Tất nói trong nước mắt.
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Tất, hộ anh Phạm Văn Vinh cũng từng nổi danh khắp làng nhờ nuôi lợn, nhưng giờ cũng rơi vào tình cảnh "chết dở, sống dở". Hôm chúng tôi đến, cổng nhà anh Vinh vẫn khóa chặt, 2 đứa trẻ (đứa lớn khoảng 10 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi) mặt mũi, quần áo lấm lem bùn đất chạy ra, đứa lớn nhanh mồm bảo: "Nhà không còn lợn bán đâu, bố cháu đi miền Nam làm đến tết mới về, còn mẹ đi mua đồng nát rồi".
Thấy nhà hàng xóm có khách, bà Nguyễn Thị Tuyết ở cạnh nhà anh Vinh ngó tường rào nói sang: "Vợ chồng thằng Vinh vỡ nợ, phá sản đi làm ngoài rồi, giờ 2 đứa trẻ cũng phải nghỉ học ở nhà nhờ tôi trông, trưa hay tối mẹ chúng mới về cho ăn".
Bà Tuyết cho biết, nhà anh Vinh cách đây khoảng 1 tháng vẫn còn nuôi khoảng 200 con lợn thịt sắp xuất chuồng và 30 con nái, có nhiều con mới đẻ nhưng cũng bị nhiễm dịch bệnh chết, phải báo chính quyền xuống lập biên bản và đưa đi tiêu hủy.
"Nhà Vinh nuôi lợn lâu năm, thời điểm trước cũng bị thất bại nhiều do dịch bệnh, rồi nợ nần nhiều nơi nhưng nó vẫn cứ cố làm rồi đi vay nóng ở ngoài về đầu tư chuồng trại, hệ thống chăn nuôi hiện đại lắm. Ấy thế mà giờ lại trắng tay, nợ chồng nợ, thê thảm lắm" - bà Tuyết chia sẻ.
Hết lợn là hết nghiệp, gia đình ly tán
Ông Du Văn Dương ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) dỡ mái, thu dọn chuồng trại để nghỉ nuôi lợn. Ảnh: Trần Quang
Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Đình Bạch - chủ trại nuôi lợn ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đúng lúc vợ chồng ông đang căng thẳng, to tiếng với nhau. Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị Dung (vợ ông Bạch) bảo: "Gia đình tôi đã xác định mất của rồi, giờ lại mất luôn cả tình cảm, hạnh phúc. Từ khi lợn bị dịch đến giờ, ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau đôi ba trận, bí bách, khổ lắm chú ạ!".
Dù không nuôi nhiều, nhưng mỗi năm ông bà Bạch cũng có khoảng trên dưới 100 con lợn thịt, lợn nái trong chuồng và con lợn vẫn là nguồn thu chính giúp gia đình ông Bạch và các con sinh sống, ăn học. Giờ vợ chồng ông đều đã có tuổi, lợn chết hết, mất nguồn thu khiến gia đình ông lâm cảnh túng bấn, đụng đâu thiếu đó, nguy cơ tái nghèo.
"Không chỉ riêng gia đình tôi, bà con ở xã này cũng thế cả, hết lợn là hết nghiệp, nghèo đói là điều tất yếu" - ông Bạch ngậm ngùi nói.
Chưa hết thê thảm, trường hợp của gia đình anh Trương Tiến Minh ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương khiến ai nghe chuyện đều xót xa. Vợ chồng anh Minh mới lấy nhau được gần 5 năm, có với nhau 2 đứa con nhưng giờ đã ly thân mỗi người một nơi, chỉ vì một lý do là chăn nuôi lợn vỡ nợ, sinh ra mâu thuẫn, đánh chửi nhau thường xuyên, dẫn đến chia tay.
Hiện 2 đứa nhỏ của anh Minh đang phó mặc cho bố đẻ anh là ông Trương Văn Vũ chăm sóc. Hôm chúng tôi đến thăm, đứa cháu gái út (khoảng 3 tuổi) của ông Vũ cứ quấy khóc đòi mẹ khiến ông Vũ rất lúng túng, không biết làm thế nào để dỗ. "Cám cảnh vô cùng, chúng nó vỡ nợ, cãi đánh nhau vì lợn xong giờ cũng không cần con, giờ mỗi đứa một đường không biết đi đâu rồi" - ông Vũ buồn rầu chia sẻ.
Vừa nói chuyện, ông Vũ vừa chỉ tay về hướng chuồng lợn đang bỏ không và bảo: "Từ ngày nuôi lợn, làm giàu, biết ơn đàn lợn nhiều bao nhiêu thì giờ căm phẫn, thù ghét nó bấy nhiêu. Cũng vì nó mà gia đình con tôi tan nát, ly tán".
Kể từ khi đàn lợn của gia đình bị tiêu hủy, đến giờ đã hơn gần 2 tháng nhưng ông Vũ vẫn không thể quen được cảnh này. Hơn 10 năm nuôi lợn, đàn lợn luôn béo khỏe, trang trại cũng chưa bao giờ bị dịch bệnh. Vậy mà giờ đây, chuồng trại với vài trăm con lợn nái bị dịch “quét” sạch bách không còn con nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.