Nuôi cá chuẩn sạch VietGAP, HTX thu nhập cực ổn, không lo đầu ra

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 21/03/2019 06:10 AM (GMT+7)
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP, các thành viên theo nghề “làm kinh tế trên mặt nước” của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản sạch Hưng Hải (phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Đầu tư bài bản

Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Thắng - Phó Giám đốc HTX Thủy sản sạch Hưng Hải chia sẻ, từ việc chọn địa điểm đặt lồng cho đến việc thiết kế xây dựng đóng bè, lồng đều được các thành viên HTX Hưng Hải tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận.

img

img

Các thành viên HTX Thủy sản sạch Hưng Hải thu hoạch cá lồng. Ảnh: Hoàng Hằng

"Trong năm 2019, HTX có kế hoạch mở rộng thêm 20 lồng cá. Bên cạnh đó, HTX cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động khu sơ chế sản phẩm để tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị” .

  Ông Lê Ngọc Thắng

Cụ thể, HTX đã nhờ các chuyên gia thủy sản ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trung ương tiến hành kiểm định chất lượng nước của vùng nuôi cá. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm, vùng thả lồng có độ sâu khoảng 7m. Khu vực đặt lồng phải đảm bảo yên tĩnh, ít tàu bè đi lại. Ở khâu lựa chọn lồng thả, toàn bộ số lượng lồng phải là lồng sắt để đảm bảo độ bền và tiện lợi cho quá trình vệ sinh.

Việc lựa chọn giống cá trước khi nuôi thả cũng được HTX chú trọng. Toàn bộ cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có kích cỡ đồng đều, không trầy xước, không bong vảy, không mắc bệnh. Trong quá trình nuôi thả, HTX tăng cường vitamin và khoáng chất cho con giống và chú ý vệ sinh lồng nuôi.

Theo ông Thắng, để mang đến cho khách hàng những sản phẩm ngon, sạch, chất lượng, HTX chỉ sử dụng một lượng nhỏ cám công nghiệp. Cá lăng bé ban đầu được cho ăn bằng cám công nghiệp, sau đó khi cá có trọng lượng lớn hơn khoảng 400gram/con cho ăn bằng cá tạp chặt nhỏ. Đối với cá trắm cỏ, để cung cấp nguồn thức ăn, HTX sử dụng cỏ voi, lá sắn, lá chuối, cỏ tự nhiên. Bên cạnh đó, để giảm chi phí mua thuốc mà vẫn giảm được tỷ lệ cá mắc bệnh, HTX tuyên truyền cho các thành viên không dùng thuốc kháng sinh mà phải dùng vôi bột, muối để phòng bệnh và tắm cho cá.

Hỗ trợ vốn xây dựng chuỗi liên kết

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi nên từ tháng 6.2017, sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Phó Giám đốc HTX Thủy sản sạch Hưng Hải phấn khởi nói: “Khi nắm vững kỹ thuật, nghề “làm kinh tế trên mặt nước” như HTX không hề khó khăn mà còn mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ. Trong 2 năm 2017-2018, HTX xuất bán khoảng 60 tấn cá, thu nhập sau khi trừ chi phí của các thành viên HTX đạt trên 5 tỷ đồng. Sản phấm cá của HTX được khách hàng đánh giá cao. Nhiều khi sản lượng còn không đủ để cung cấp cho thị trường”.

Theo ông Thắng, ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm diện tích mặt nước. Ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá lồng trên sông sẽ sạch hơn, vì thế cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao. Tuy nhiên đối với mô hình nuôi cá lồng, các thành viên trong HTX vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt là khi lũ về, nước chảy xiết, HTX phải tăng cường gia cố lồng cá bằng neo sắt và túc trực ngày đêm.

Bên cạnh chi phí đầu tư vào xây dựng lồng nuôi, thức ăn công nghiệp cũng chiếm một khoản tiền lớn. Vì vậy, các thành viên HTX luôn mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ HTX về vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.

“Hiện chúng tôi đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất giữa các thành viên; liên kết với đơn vị cung ứng giống và sản xuất thức ăn thủy sản; liên kết với các đơn vị, cá nhân tiêu thụ thủy sản với số lượng lớn và ổn định. Trong năm 2019, HTX có kế hoạch mở rộng thêm 20 lồng cá. Bên cạnh đó, HTX cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động khu sơ chế sản phẩm để tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị.

Đánh giá về mô hình hoạt động của HTX, ông Vũ Văn Điệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hưng Yên cho biết, HTX đã xây dựng được các bước trong cung cấp sản phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn. Nhờ nuôi cá lăng kết hợp với nhiều loại cá khác như cá trắm, cá chày... HTX đã tận dụng nguồn thức ăn cho cá. Mô hình này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc chuyển đổi ruộng trũng, cải tạo ao, hồ mặt nước gắn với phát triển thuỷ sản theo hướng thâm canh, chuyên canh nhằm thúc đẩy kinh tế hộ và kinh tế địa phương phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem