Nuôi cá đặc sản dày đặc trong lồng, bán 250-600 ngàn đồng/kg

Thứ bảy, ngày 11/05/2019 19:40 PM (GMT+7)
Với lợi thế là xã nằm dọc bên bờ sông Lô, điều kiện lý tưởng cho phát triển nghề nuôi cá đặc sản trong lồng và chăn nuôi thủy sản trên sông, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá bán cá đặc sản dao động từ 250.000-600.000 đồng/kg tùy loại.
Bình luận 0

Mỗi bè cá lồng có chiều rộng từ 4-5m, dài từ 25-30m tùy vào quy mô đầu tư chăn nuôi của mỗi gia đình. Giống và thức ăn cho cá được các hộ nuôi cá chọn mua ở các cơ sở nuôi trồng thủy sản uy tín của tỉnh; cỏ, rau, lá sắn... tận dụng từ cây trồng dọc bên bờ sông, vườn nhà.

img

Lồng cá của gia đình ông Luyến, khu 12, xã Bình Bộ bắt đầu cho thu hoạch, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Nếu thả cá giống từ 0,2-0,3kg/con, chỉ sau một năm đã đạt 2,5-3kg/con, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Trừ chi phí, mỗi bè cá (từ 4-5 lồng) cho thu lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, để nuôi cá hiệu quả, các hộ dân sống dọc bờ sông luôn cùng nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường nước.

Gia đình ông Hoàng Đình Luyến, khu 12, xã Bình Bộ là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở đây. Ban đầu, do khó khăn không có vốn, lại thiếu kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là nuôi những giống bản địa.

img

Đặc sản cá quế thịt thơm như mùi quế có giá giao động từ 180 – 200.000 nghìn đồng.

Sau 4 năm nuôi cá lồng trên sông, với kinh nghiệm và tích lũy được đến nay gia đình ông đã có 30 lồng cá với nhiều loại đặc sản như: Cá lăng, cá trắm, cá quế, cá ngạnh, cá chép giòn... Đây là những loại cá có giá bán trên thị trường từ 250 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng/kg.

Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm ông Luyến xuất ra thị trường từ 30 tấn cá trở lên, trừ các chi phí thu về gần 1 tỷ đồng.

Ông cho biết : “Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh thì khả năng phát triển nuôi cá lồng ở đây rất tốt. Những loại bản địa như cá rô phi, diêu hồng, chép... thì có thể thu lãi hàng năm nhưng các giống cá đặc sản thì phải 2 năm trở lên mới xuất bán”.

img

Mô hình nuôi cá lồng trên sông tại xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Vì vậy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cá, người nuôi thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu ô xy cũng như hạn chế việc phát sinh mầm bệnh; treo túi vôi ở góc lồng để khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh.

Đặc biệt, người nuôi cá đặc sản trong lồng thường xuyên sử dụng tỏi say nhuyễn cho cá ăn liên tục trong vòng từ 7 – 10 ngày/tháng với định lượng phù hợp để tăng sức đề kháng. Thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng, kiểm soát nguồn thức ăn… đảm bảo cho cá phát triển tốt.

Hiện nay trên địa bàn xã Bình Bộ đã có 47 lồng cá liên kết gần nhau, giúp đỡ nhau về kỹ thuật và con giống. Đầu tư nuôi cá lồng trên sông đòi hỏi vốn lớn, với mỗi lồng cá có thể tích 100 m3 chi phí từ 15 - 20 triệu đồng.

Ông Lê Xuân Kết - Chủ tịch UBND xã Bình Bộ cho biết: Địa phương đang chú trọng những mô hình phát triển kinh tế liên kết như gà đồi, cá lồng, các mô hình cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng. Chính quyền xã cũng tạo điệu kiện để cho nhân dân tận dụng lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, góp phần nâng cao đời sống và tạo việc làm cho lao động tại địa phương".

Mộc Lâm (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem