Chủ động đầu vào, thu nhập tăng
Ông Duân cho hay, ông nuôi cá đã 12 năm. Trước đây, ông chủ yếu thả các loại cá truyền thống như trôi mè, trắm, chép. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ông chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp (cá rô phi Đường Nghiệp). Ông Duân thổ lộ: “So với các loại cá truyền thống thì cá rô phi Đường Nghiệp lớn nhanh, cho thu nhập cao hơn hẳn, kỹ thuật nuôi không khó”.
Nuôi cá khép kín, gia đình ông Duân (ngoài cùng bên trái) thu lãi 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Đức Thịnh
Cùng với học lý thuyết, chúng tôi còn được thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc” ngay tại ao nuôi nhà mình. Vì vậy, học đến đâu, bà con áp dụng được ngay đến đó”.
Ông Bùi Đình Duân
|
Theo ông Duân, nuôi loại cá rô phi này quan trọng nhất là khâu chọn giống. Bởi giống cá rô phi Đường Nghiệp rất giống với cá rô phi thông thường. Nếu người nuôi cá không tinh, dễ bị chọn phải giống cá rô phi Đường Nghiệp “rởm”.
Muốn sản xuất con giống để chủ động đầu vào, nhưng ông Duân chẳng biết học nghề ở đâu. Năm 2015, Hội Nông dân xã mở lớp dạy nghề nuôi cá, ông liền đăng ký tham gia học ngay. Trong thời gian 3 tháng, không chỉ được dạy cách chăm sóc phòng trị bệnh, ông còn được giáo viên của trung tâm chỉ dạy cặn kẽ kỹ thuật ương cá giống và cách xử lý môi trường ao nuôi…
Với diện tích 5ha, ông Duân chia làm 2 ao ương cá giống, 3 ao nuôi cá thương phẩm. Hiện, ông sản xuất 10 vạn giống cá rô phi Đường Nghiệp/năm, gia đình ông giữ lại nuôi lớn 2 vạn cá, còn lại thì bán với giá 12 - 15 triệu đồng/vạn. Ông Duân phấn khởi: “Mỗi năm xuất bán hơn chục tấn cá thương phẩm và 8 vạn cá giống, trừ hết chi phí tôi còn thu lãi hơn 300 triệu đồng”.
Liên kết nuôi cá
Cách nhà ông Duân không xa, ông Trần Quy cũng là 1 trong nhiều hộ nuôi cá hiệu quả sau lớp học nghề. Ông Quy thổ lộ: “Sau lớp học nghề, tay nghề nuôi cá của tôi nâng lên rõ rệt. Từ nuôi cá, gia đình tôi thu lãi 200 triệu đồng/năm”.
Trao đổi với NTNN về tình hình địa phương, bà Phạm Thị Huệ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân cho biết, từ năm 2002, xã có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi từ ruộng trũng, năm 1 vụ lúa, thu nhập thấp sang phát triển kinh tế trang trại. Hiện, toàn xã đã chuyển đổi được 80 ha.
Để các hộ nuôi cá liên kết với nhau, sau lớp học nghề, Hội Nông dân xã đã thành lập Câu lạc bộ Nuôi trồng thủy sản xã Tân Dân (CLB) với 20 thành viên tham gia nuôi với diện tích hơn 40ha thủy sản. “CLB đã thực hiện tốt việc tổ chức cho các thành viên cùng nhau liên kết về mọi mặt...” - bà Huệ nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.