Nuôi cá trắm đen trên hồ sông Đà, lớn con nào lái tranh mua con đó

Hà Hoàng - Bạc Thị Bình Chủ nhật, ngày 05/04/2020 06:30 AM (GMT+7)
Anh Bùi Văn Cứ, bản Nà Quyên (xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nuôi cá trắm đen bằng tép dầu, ốc, hến bắt ngoài tự nhiên. Nhờ cách làm này, 18 lồng nuôi cá trắm đen của gia đình anh lớn nhanh, chất lượng thịt săn chắc, cá nuôi đến lứa bán thương lái tranh nhau mua.
Bình luận 0

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà rộng với làn nước trong xanh, nhiều hộ dân sinh sống ở xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã đầu tư lồng nuôi cá để có thu nhập cao.

Với mô hình nuôi cá trắm đen trong lồng bè đã giúp nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập ổn định, đời sống an nhàn không còn vất vả như thời điểm làm nương ngô, nương sắn nữa.

img

Anh Cứ đang kiểm tra và theo dõi quá trình phát triển của đàn cá trắm đen.

Là 1 trong những hộ đi đầu trong việc nuôi cá trắm đen, gia đình anh Bùi Văn Cứ luôn được tiểu thương và khách hàng lựa chọn. Cá trắm đen nuôi đến đâu, anh bán hết đến đó, nhiều khi anh phải đứng ra làm "trọng tài" để phân chia số cá trắm đen đến lứa bán cho các thương lái bởi ai cũng muốn mua nhiều hơn.

Để tìm hiểu rõ hơn về nghề nuôi cá trắm đen trong lồng bè, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tìm đến khu vực nuôi cá của anh Cứ.

Khi được hỏi tại sao anh không nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, mà lại dùng 100% thức ăn đánh bắt ngoài tự nhiên, anh Cứ cười và nói: “Nuôi cá trắm đen bằng cá tép, cá mương, hến, ốc bắt ở sông Đà sau đó xay nhuyễn cho chúng ăn thì chất lượng thịt cá săn chắc và thơm ngon hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Vì vậy cá của gia đình tôi được người tiêu dùng rất ưa thích, nên bán được giá cao hơn”.

img

Anh Cứ nuôi cá trắm đen bằng cách nuôi gối các lứa cá ở các lồng khác nhau nên lúc nào anh cũng có cá bán ra thị trường.

Anh Cử kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Cũng do cuộc sống khó khăn nên bắt buộc người nông dân chúng tôi phải tự tìm cho mình hướng đi mới để nâng cao nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Trước đây gia đình tôi trồng ngô, sắn và nuôi cả lợn, nhưng do giá heo hơi bấp bênh cộng với giá cả nông sản thấp nên thu nhập bấp bênh, tiền nợ phân bón lên đến vài chục triệu đồng, lãi không thấy đầu toàn thấy nợ. Tôi thấy dòng nước sông Đà chảy qua nhà quanh năm trong xanh và yên ả, nên liền nghĩ đến việc thiết kế lồng nuôi cá trắm đen”.

img

Anh Cứ cho biết, cá trắm đen thương phẩm đang được gia đình anh bán giá dao động từ 100.000 đồng - 150.000 đồng/kg.

Để có kinh nghiệm nuôi cá trắm đen, anh Cứ đã tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La tổ chức giảng dạy. Ngoài ra, anh còn nhiều lần xuống tỉnh Hải Dương tham quan thực tế các trang trại nuôi cá, để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá. Từ những chuyến đi đó, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho đàn cá, chọn thức ăn nào cho cá đạt hiệu quả cao nhất...

img

 Anh Cứ chia sẻ: "Cá trắm đen hiện là loài cá đặc sản. Loài cá này không chỉ có thịt thơm ngon mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nên thường bán với giá cao...".

Anh Cứ tiết lộ: "Thời gian đầu mới nuôi, nhiều người khuyên tôi nên nuôi 100% cá trắm cỏ thay vì nuôi cá trắm đen, thức ăn sẽ dễ tìm kiếm hơn. Nhưng lúc đó tôi đều bỏ ngoài tai, tôi nghĩ mình sống ở ven sông Đà thì không lo thiếu nguồn thức ăn cho cá trắm đen bởi cá này ăn tạp. Nếu làm vó đánh bắt cá tép, cá mương, rồi bắt ốc, hến thì không lo thiếu, bởi những loài này ở hồ sông Đà còn dồi dào. Tuy vậy, tôi vẫn thả xen nuôi thêm cá trắm cỏ để tận dụng nguồn thức ăn dễ kiếm như cỏ, lá chuối, thân cây ngô...".

img

Anh Cứ tận dụng diện tích mặt nước sông Đà làm 3 cái vó, để đánh bắt cá tép và cá mương làm thức ăn cho đàn cá trắm đen.

Theo kinh nghiệm nuôi cá trắm đen của anh Cứ, để đàn cá trắm đen phát triển tốt và đạt chất lượng cao, hàng ngày người nuôi phải xuống các lồng cá theo dõi, kiểm tra trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Một ngày cần cho cá trắm đen ăn 2 lần vào buổi sáng và tối.

“Tôi thiết kế mỗi lồng cá rộng 25 m2, tôi thả 300 con/lồng. Tôi chủ yếu cho cá trắm đen ăn cá tép, cá mương, hến, ốc xay nhuyễn trộn đều với cám ngô, sắn. Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn cá, tôi đầu tư vốn làm 3 cái vó bắt cá mương và cá tép. Ngoài ra tôi còn chủ động mua cá tép của người dân ở ven sông Đà, sau đó nhốt riêng vào lồng để làm thức ăn dự trữ cho đàn cá trắm đen nuôi trong lồng...", anh Cứ chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Từ khi nuôi cá trắm đen, anh Cứ nói không với thức ăn cám công nghiệp và thuốc tăng trọng. Trong quá trình chăm sóc cá trắm đen, anh thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

img

Từ khi chuyển sang nuôi cá trắm đen, cuộc sống của gia đình anh Cứ ngày càng khấm khá.

Nhờ nuôi cá bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nên cá trắm đen lồng của gia đình anh Cứ luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon được nhiều thương lái ưa chuộng. Khi đến mùa thu hoạch cá, nhiều khách hàng và thương lái đến tận lồng cá của gia đình anh thu mua. Anh Cứ nuôi cá trắm đen theo phương pháp gối, nên lúc nào anh cũng có cá thịt để bán ra thị trường.

img

Nhờ cách chăm sóc tốt 18 lồng cá trắm đen của gia đình anh Cứ đều khỏe mạnh, chất lượng thịt săn chắc, cá nuôi đến đâu thương lái về khuân hết đến đó.

 Anh Bùi Văn Cứ cho hay: “Hiện nay tôi có 18 lồng nuôi cá trắm đen, tôi bán cá với giá 100.000 – 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi còn có lãi hơn 350 triệu đồng. Nhờ chuyển sang nghề nuôi cá lồng, gia đình tôi đã thoát nghèo và mua được chiếc thuyền lớn để chở nông sản trên sông. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 1ha xoài Đài Loan, năm ngoái cho thu 3 tấn. Nếu tính tổng thu nhập từ nuôi cá và trồng cây ăn quả, mỗi năm tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem