“Ông cử” về làm nông dân
Gia đình anh Trương Văn Phúc vốn có truyền thống với nghề chăn nuôi và bản thân anh rất ham thích nghề này từ khi còn là học sinh phổ thông. Do đó năm 2005, khi nhận tấm bằng cử nhân thú y, anh không xin việc làm mà trở về mở trang trại chăn nuôi. Anh có suy nghĩ phải nuôi con vật nào không “đụng hàng” hiệu quả mới cao. Từ mô hình nuôi bò, anh bàn với gia đình chuyển sang nuôi gà Sao và gà Mông. Nhờ ham thích chăn nuôi và có kiến thức nên đàn gà Sao và gà Mông của anh ngày càng phát triển. Phúc còn gây giống gà Ai Cập thương phẩm. Có lúc cao điểm đàn gà Mông, gà Sao và gà Ai Cập của anh lên đến cả ngàn con.
Trương Văn Phúc giới thiệu về loài gà đen Indonesia. Ảnh: Văn Tràng
Với ý chí và nghị lực, tinh thần ham mê lao động vươn lên làm giàu, anh Trương Văn Phúc vinh dự được UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Năm nay, anh được tỉnh Tiền Giang làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
|
Đến năm 2008, thị trường tiêu thụ gà Sao, gà Mông và gà Ai Cập có chiều hướng lắng dịu, giá sụt nên anh chuyển đổi sang nuôi chim trĩ đỏ. Lúc đầu anh Trương Văn Phúc chỉ mua được 1 cặp chim trĩ đỏ giá 8 triệu đồng về làm giống. Rất may mắn sau 1 tháng nuôi, chim trĩ đẻ trứng và nhân rộng đàn. Không bao lâu, đàn chim trĩ đỏ của anh nhân lên được 8 cặp, rồi 1 năm sau được 50 cặp...
Cứ 2 tháng, anh Phúc cung cấp cho thị trường 200 con giống và 100 con chim kiểng. Chim trĩ đỏ giá khá cao, có thời điểm anh bán được 500.000 đồng/con thịt và 4 triệu đồng/cặp con giống. Chỉ tính riêng chim trĩ đỏ, sau khi trừ chi phí, nhà nông trẻ nhạy bén này thu lãi gần 300 triệu đồng/năm. Đây là động lực để anh Phúc tiếp tục đầu tư phát triển trang trại.
Thích ứng với sự thay đổi của thị trường
Gần đây, thị trường chim trĩ có dấu hiệu trầm lắng, Phúc tiếp tục ra các tỉnh phía Bắc sưu tầm giống chim công và gà đen Indonesia về đa dạng vật nuôi cho trang trại. Ở thời điểm này, chim công và gà đen Indonesia cho hiệu quả kinh tế rất cao. Một cặp chim công bán ra giá từ 18-20 triệu đồng; ngoài ra anh còn bán lông chim công với giá 30.000 đồng/sợi. Riêng gà đen Indonesia giá 6 triệu đồng/cặp giống. Hai vật nuôi này chủ yếu cung ứng cho các nhà hàng cao cấp, các khu du lịch, resort… trong cả nước.
Trương Văn Phúc giới thiệu về kỹ thuật nuôi chim công. Ảnh: Văn Tràng
Qua hơn 10 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi, đến nay trang trại động vật quý hiếm của Phúc đã có 7 loài vật nuôi, trong đó có trên 500 con chim trĩ đỏ, vàng, xanh; 200 con chim công và gà đen Indonesia; 300 con gà Đông Tảo…
Để chăn nuôi thành công, anh Trương Văn Phúc áp dụng đầy đủ các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y, xây chuồng trại đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học nên hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt, chim trĩ không có khả năng ấp trứng nên anh đầu tư 4 tủ ấp trứng nhân tạo với tỷ lệ nở thành công 60-70%.
Tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Phúc đã trở thành tỷ phú. Sự thành công đó không chỉ có lòng quyết tâm lao động sản xuất thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng mà nhà nông trẻ này còn rất nhạy bén ứng dụng kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi, nhạy bén với sự thay đổi của thị trường. Hiện tại anh Phúc còn đầu tư nhà nuôi chim yến và tiếp tục mở rộng mô hình nuôi các loài vật “độc lạ” theo hướng thương phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.