Nhiều năm trở lại đây, tận dụng những đồng cỏ mọc xanh mướt trên các triền núi đồi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi bò thả đồi, nhờ đó mà diện mạo của xóm và thu nhập kinh tế của người dân được cải thiện rõ rệt. Gia đình ông Hà Văn Tuân là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế theo mô hình nuôi bò thả đồi tại địa phương. Nhờ vậy mà ông đã có cuộc sống dư giả, không còn phải trật vật thiếu thốn như trước kia nữa.
Từ khi chuyển sang nuôi bò, thu nhập của gia đình ông Tuân đã tăng cao so với nhiều năm trước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Văn Tuân cho biết: Trước kia gia đình tôi nuôi 8 con trâu nhưng do địa hình đồi núi dốc, không có nước để trâu đầm mỗi khi chăn thả trên đồi, nên chăm sóc rất vất vả. Sau đó tôi bàn với vợ bán toàn bộ đàn trâu, mua 5 con bò giống địa phương về nuôi phát triển kinh tế, số tiền còn lại tôi trả nợ và mua thêm đất ruộng trồng lúa. Khoảng 1 năm sau, 5 con bò giống của gia đình tôi đẻ được 5 con bê khỏe mạnh.
Hàng ngày ông Tuân lùa đàn bò lên các triền đồi để chăn thả.
Theo ông Tuân: Do trước kia tôi đã từng nuôi trâu, nên khi chuyển sang nuôi bò tôi cũng có nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Hàng ngày tôi đều dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ cho đàn bò. Mỗi năm định kỳ tiêm phòng cho đàn bò. Nhờ vậy mà đàn bò gia đình tôi phát triển rất tốt và ít dịch bệnh.
Để có đầy đủ lượng thức ăn cho đàn bò, ông Hà Văn Tuân đã tận dụng 1ha đất nương rẫy trồng thêm cỏ voi, để cung cấp thức ăn cho đàn bò vào những ngày mưa gió và mùa đông không đi chăn thả được. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng rơm rạ của gia đình và nhiều hộ khác trong bản sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tích vào kho dự trữ nhằm bổ sung đa dạng nguồn thức ăn cho đàn bò.
Mỗi con bò trưởng thành được ông Tuân bán với giá 14 triệu đồng.
“Tôi nuôi bò theo kiểu thả đồi, bởi diện tích nương rẫy của gia đình tôi khá rộng, cộng thêm dưới tán cây luồng có rất nhiều loại cỏ mọc nên lượng thức ăn tương đối dồi dào, đủ cho đàn bò của gia đình ăn đến mùa đông. Khi bò trưởng thành, nhiều thương lái hoặc những người dân trong xã có sự kiện, đám cưới, tổng kết... họ đều đến tận trang trại chọn những con bò ưng ý để thu mua. Chính vì vậy, mà đầu ra cho đàn bò luôn ổn định và được giá cao”- ông Tuân cho biết thêm.
Gia đình ông Hà Văn Tuân là hộ tiên phong trong xóm phát triển mô hình nuôi bò thả đồi.
Hiện tại, ông Tuân nuôi hơn 20 con bò giống địa phương, ông nuôi theo kiểu thả đồi nên đàn bò của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, con nào con nấy đều béo ú. Bình quân 1 con bò trưởng thành, ông Tuân bán ra thị trường với giá hơn 14 triệu đồng/con. Ngoài ra ông Tuân còn trồng thêm 2 vụ lúa trên diện tích 1.300m2, mỗi vụ cho thu hoạch gần 1 tấn thóc. Vì thế mà hàng năm gia đình ông không phải bỏ tiền ra mua gạo, ngược lại ông còn có gạo bán ra thị trường kiếm thêm thu nhập.
Bò giống của gia đình ông Tuân luôn được các thương lái trả giá cao.
Ông Hà Văn Tuân chia sẻ: Từ thời điểm bán trâu chuyển sang nuôi bò, tôi thấy nhàn hơn và không sợ thua lỗ, vì giá thịt bò trên thị trường hiện nay rất cao và ổn định, không hay mất giá. Tôi tận dụng và gom phân bò bán cho các nhà vườn trồng cây ăn quả ở huyện Cao Phong, Tân Lạc. Mỗi năm, tôi thu nhập từ việc bán phân gần 20 triệu đồng. Tính tổng thu nhập 1 năm, tôi thu lãi gần 120 triệu đồng từ việc nuôi bò và bán phân chuồng. Thời gian tới, tôi dự định rào xung quanh nương trồng cây luồng để nuôi thêm dê, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.