Đó là hai trong số những câu hỏi “nóng” được các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “An toàn thủy sản và xu thế áp dụng VietGAP” do Báo NTNN/điện tử Dân Việt tổ chức ngày 28.12 tại Hà Nội.
Người chăn nuôi được lợi gì từ VietGAP?
Năm 2016, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,3 tỷ USD, trong đó có đóng góp của lĩnh vực nuôi trồng, nhưng có một thực tế là ngành thủy sản đang phải đối mặt với hàng chục tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, từ các tổ chức phi chính phủ cũng như tổ chức quốc tế. Mỗi tiêu chuẩn lại chỉ có phạm vi công nhận trong một vài quốc gia đang trở thành băn khoăn cho nhiều người nuôi, cơ sở chế biến, doanh nghiệp cũng như nhà phân phối, bán lẻ.
Áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân,
doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Nhận thấy điều đó, Bộ NNPTNT đã ban hành quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu bệnh dịch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện VietGAP đang được khuyến khích áp dụng và sẽ tiến tới có thể bắt buộc.
Chia sẻ về lợi ích của việc áp dục VietGAP trong chăn nuôi, ông Phạm Văn Thịnh - Giám đốc Chuỗi cá sạch Sông Đà - Cường Thịnh Fish cho biết, cơ sở của ông mới bắt đầu đầu tư nuôi thuỷ sản theo VietGAP được hơn một năm nay. “Chúng tôi được Chi cục Quản lý nông lâm thuỷ sản Hoà Bình, Sở NNPTNT Hoà Bình hỗ trợ từ chính sách tới quy trình để đảm bảo hoàn thành được theo đúng quy trình” - ông Thịnh cho biết.
Ông Thịnh cho biết thêm, từ khi áp dụng VietGAP, Cường Thịnh Fish có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là cung cấp vào các chuỗi thực phẩm sạch và phục vụ người tiêu dùng có thu nhập khá, có nhu cầu, muốn được sử dụng các sản phẩm an toàn.
Tương tự, ông Đào Ngọc Nam – Tổng Giám đốc Chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food – đơn vị chuyên phân phối giống nông thủy sản sạch và an toàn cho biết, để sản phẩm trong hệ thống chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm An Việt Food đều được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, người chăn nuôi phải tuân thủ nhiều quy trình khác với thông thường nên chi phí có phần cao hơn. “Trong hệ thống của chúng tôi, các sản phẩm VietGAP đắt hơn. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng đầu tư trên quy mô lớn để giảm giá thành sản phẩm” – ông Nam nói.
Ông Nam cho biết thêm, hệ thống chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food đang hướng tới chuỗi quy trình khép kín trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm an toàn.
Đăng ký VietGAP có khó không?
Chi phí chứng nhận VietGAP thủy sản
Một số bạn đọc hỏi, chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAP là bao nhiêu, có tốn kém không? Bà Nguyễn Thị Băng Tâm cho biết: Chi phí đánh giá, cấp chứng nhận VietGAP mà cơ sở nuôi phải trả, bao gồm: Chi phí cho chuyên gia đánh giá; chi phí hành chính; chi phí đánh giá, chứng nhận VietGAP do cơ sở nuôi thỏa thuận với Tổ chức chứng nhận dựa trên biểu phí, cách tính phí do Tổ chức chứng nhận xây dựng và công bố công khai.
|
Ông Nguyễn Tử Cương –Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) cho biết: “Để người nuôi và cơ sở chế biến không phải tốn chi phí thực hiện và chi phí đánh giá của quá nhiều giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi thủy sản, điều quan trọng nhất là các quốc gia nuôi, trồng và xuất khẩu thủy sản cần phải tuyên truyền và quảng bá nội dung và lợi ích của "GAP" do quốc gia đang thực hiện để các quốc gia nhập khẩu, các nhà bán lẻ và đặc biệt là người tiêu dùng thủy sản công nhận”.
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm - chuyên gia Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Tổng cục Thủy sản đã hỗ trợ triển khai một vài chuỗi. “Sau khi Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 48/TT-BNNPTNT ngày 26.9.2012 quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng website vietgap.tongcucthuysan.gov.vn để quản lý toàn bộ chương trình này. Mã số chứng nhận VietGAP được cấp tự động một cách công khai, minh bạch trên website này. Tính đến 28.12.2016, có hơn 200 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho khoảng 300 cơ sở nuôi. Khách hàng, người tiêu dùng, chuyên gia đánh giá, cán bộ quản lý thủy sản hoặc bất kỳ ai quan tâm đều có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trên website này” - bà Tâm cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.