Phạt 200 triệu đồng nếu vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 23/07/2018 10:00 AM (GMT+7)
Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn có vai trò rất quan trọng, thường chiếm 40 - 70% chi phí sản xuất. Nhưng với “ma trận” các loại thức ăn cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, với nhiều nhãn hiệu và tên gọi, nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng cũng như chất lượng sản phẩm.
Bình luận 0

“Ma trận” của 3.000 sản phẩm

Chia sẻ tại hội thảo quốc gia về giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn trong nuôi trồng thủy sản vừa được Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tổ chức, ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, năm 2017, trên thị trường có tới 3.061 sản phẩm thức ăn thủy sản được xác nhận lưu hành, trong đó thức ăn là 1.877 sản phẩm (trong nước 1.634 sản phẩm, nhập khẩu 243 sản phẩm); bổ sung môi trường nuôi là 1.184 sản phẩm (trong nước 1.114 sản phẩm, nhập khẩu 70 sản phẩm).

img

Có quá nhiều sản phẩm thức ăn thủy sản được lưu hành trên thị trường nên rất khó cho công tác quản lý. Ảnh: T.L

Năm 2017, cả nước có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn; trong đó, công suất thiết kế cho thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản 5,8 triệu tấn; nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỷ USD.

Theo định hướng phát triển, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu: công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; có chất lượng phù hợp đã được công bố áp dụng; thông tin về sản phẩm đã gửi đến Bộ NNPTNT theo quy định. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng. Quy định là vậy nhưng việc kiểm tra, giám sát chất lượng vẫn còn nhiều khó khăn do có quá nhiều sản phẩm trong khi lực lượng chức năng lại quá mỏng.

Đơn cử như tại Nam Định, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT Nam Định), toàn tỉnh có 51 đại lý và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chuyên cung cấp đa dạng các loại sản phẩm vật tư thủy sản, trong đó có thức ăn thủy sản. Điều đó khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, người nuôi cũng lúng túng khi lựa chọn.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh tăng hơn so với năm 2017 (19/1.123 mẫu chiếm 1,69%, 6 tháng đầu năm 2017 là 0,58%) cho thấy việc tăng cường kiểm soát sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản là một đòi hỏi cấp thiết.

Có thể phạt đến 200 triệu đồng

Đây là một trong những quy định tại Nghị định 64/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực từ ngày 22.6.2018. 

Nghị định nêu rõ, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định tại nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản gồm các vi phạm về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản; mua bán, nhập khẩu, khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá hạn sử dụng; sử dụng kháng sinh, chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Ông Trần Công Khôi cho rằng, thời gian qua công tác quản lý thức ăn thủy sản đã được đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ trong việc đăng ký lưu hành sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và phân phối sản phẩm thức ăn thủy sản hiện còn nhiều bất cập như nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ lại trên địa bàn rộng; trong khi lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm tra chưa thực hiện liên tục. Vì vậy, Nghị định 64 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong quản lý thức ăn thủy sản khi mức phạt tăng đáng kể, đảm bảo tính răn đe.

“Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thức ăn thủy sản, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các đơn vị có liên quan; đồng thời, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm; giúp người nuôi trồng thủy sản tiếp cận được với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất”- ông Khôi nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem