Tỉnh gọi, doanh nghiệp… không trả lời
Mặc dù, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được khởi động từ hơn 1 năm nay, nhưng đến nay vẫn còn tới 16 tỉnh chưa phê duyệt đề án này, đặc biệt việc thu hút khối tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế.
Chế biến dưa xuất khẩu đi Hàn Quốc tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương. Ảnh: Thanh Xuân
Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên cả nước phê duyệt chính thức đề án tái cơ cấu nông nghiệp và triển khai bài bản, nhưng hiện tại việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh các định hướng chung, Đồng Tháp còn công bố danh mục 13 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như xây dựng thung lũng lúa gạo, các dự án kho chứa lúa, san phẳng đồng ruộng bằng tia laser... song đến nay, tỉnh vẫn chưa hút được doanh nghiệp nào đầu tư, thậm chí có dự án còn đổ bể sớm ngay từ “trứng nước” là thung lũng lúa gạo.
Ông Đặng Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, khó khăn nhất lớn nhất của tỉnh là chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường, nên vấn đề được mùa mất giá của các mặt hàng nông sản vẫn xảy ra. “Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp do rủi ro còn nhiều, sản xuất của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Còn cơ chế, chính sách thì chúng tôi đã xây dựng rất nhiều, nhưng thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn”- ông Hùng nói.
Cũng là tỉnh sớm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Quảng Ninh lại có cách làm khác, đó là triển khai Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”. “Vừa qua, khi tổ chức hội chợ, hàng hoá của người dân vùng sâu vùng xa đều hưởng ứng nhiệt tình. Có thể nói, chưa có hội chợ nào đúng chất hội chợ như ở Quảng Ninh bởi ở hội chợ các sản phẩm của người dân đã tiếp cận được với người tiêu dùng” - ông Đặng Huy Hậu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Theo ông Hậu, để sản phẩm của người dân được tiêu thụ, ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại cho người dân và doanh nghiệp bằng các hội chợ, Quảng Ninh còn hỗ trợ mở các điểm tiêu thụ sản phẩm theo tháng, bởi nếu để doanh nghiệp thuê điểm chợ thì sản phẩm sẽ bị tăng giá.
Quảng Ninh cũng đang chủ động kêu gọi, xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trước mắt tỉnh đã cấp 200ha “đất sạch” cho Tập đoàn Vingroup triển khai dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Đông Triều. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, do khó khăn trong việc thu gom đất đai để phục vụ sản xuất.
Chuyển biến lớn trong nhận thức của xã hội
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến nay nhiều địa phương đã chủ động ban hành các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương tập trung ở các dự án liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Bộ NNPTNT cũng đang tích cực hợp tác với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam...) triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả; cà phê, chè, thuỷ sản và nhóm hàng hoá khác.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, để thực hiện thành công chủ trương lớn tái cơ cấu, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các doanh nghiệp. “Để đẩy mạnh tái cơ cấu, phải tăng cường tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức trong các cơ quan có trách nhiệm cũng như bà con nông dân, để tất cả vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu đó là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị”- ông Phát nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu nông nghiệp đánh giá, qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu, cái được nhiều nhất là nhận thức của toàn xã hội đã có sự chuyển biến. Nhận thức của nông dân, doanh nghiệp, của Nhà nước và nhà khoa học. Gia tăng nông nghiệp, năng suất và giá trị xuất khẩu… đã phản ánh sự chuyển biến của nhận thức đó. Từ chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản… đã theo hướng sản xuất sạch hơn, tư duy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học để đi từ thị trường đang cần cái gì thì tôi sản xuất ra các sản phẩm đó.
Về việc vẫn còn 16 địa phương chưa có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Tôi đề nghị 16 địa phương chưa phê duyệt Đề án, kế hoạch hành động và Ban chỉ đạo liên ngành từ nay tới cuối năm phải hoàn thiện hết”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới là rất lớn. Dù chúng ta đã mở cửa thị trường, song mặt hàng nông nghiệp của chúng ta vẫn còn hạn chế ở một số nước. Nếu ngành nông nghiệp không nhanh chóng nâng cao hiệu quả cạnh tranh thì nông nghiệp Việt Nam sẽ thất bại ngay trên sân nhà”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: "Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu đó là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị”.
|
5 hạn chế trong tái cơ cấu
Báo cáo của Bộ NNPTNT tại hội nghị hôm qua đã chỉ ra 5 hạn chế về tái cơ cấu nông nghiệp sau 2 năm triển khai. Cụ thể:
Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc.
Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế.
Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế.
Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra.
Ngoài ra, có những vướng mắc rất quan trọng thuộc các lĩnh vực liên ngành cần được tiếp tục tháo gỡ về lâu dài như: Việc tháo gỡ hoạt động thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, việc thu hút mạnh lao động ra khỏi nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.
P.L
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.