Sẽ kiểm điểm Trung tâm đăng kiểm, Tổng cục Thuỷ sản vụ tàu 67 hỏng

Dũ Tuấn (thực hiện) Thứ hai, ngày 12/06/2017 09:21 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Bình Định sẽ có trách nhiệm và giải pháp quyết liệt để xử lý vụ việc, tuy nhiên xem xét chuyển qua hình sự hay không vẫn còn tùy vào mức độ sai phạm và khắc phục hậu quả của các cơ sở đóng tàu.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng loạt tàu 67 hư hỏng tại Bình Định có trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm, thuộc Tổng cục Thuỷ sản. Sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ đưa ra hình thức kiểm điểm và chấn chỉnh lại hoạt động của cơ quan này.

Phải thay vỏ thép

Thưa Thứ trưởng, trước tình trạng hàng loạt tàu 67 bị hư hỏng quan điểm của Bộ NNPTNT về hướng khắc phục sẽ như thế nào?

-Đối với 18 tàu vỏ thép có vấn đề tại Bình Định, địa phương này đã thành lập Tổ thẩm định để xác định lỗi của các con tàu, chỉ ra các nguyên nhân và trách nhiệm của các bên. Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, trách nhiệm quan trọng và cuối cùng thuộc về các cơ sở đóng tàu, cụ thể ở đây là 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Tôi đã đề nghị với UBND tỉnh Bình Định, sau khi Tổ thẩm định có kết luận, nhất thiết những con tàu có vỏ thép đóng không đúng theo hợp đồng cam kết thì trách nhiệm của cơ sở đóng tàu là phải khắc phục. Thậm chí, thay vỏ thép cho đúng nếu không sẽ chịu phạt theo hợp đồng.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNNT Vũ Văn Tám: "Chúng tôi sẽ kiểm điểm và rà soát, chấn chỉnh đối với cơ quan đăng kiểm trong thời gian tới".

Theo quy định của NĐ 67, tất cả những tàu đóng mới đều phải được trang bị máy thủy, nguyên chiếc. Nên trong số 18 con tàu này, Tổ thẩm định có kết quả những tàu nào không phải máy thủy, không phải nguyên chiếc của nhà cung cấp chính hãng thì phải thay chứ không có chuyện sửa máy.

Các lỗi khác, chủ tàu và cơ sở đóng tàu cùng nhau khắc phục. 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu có thể địa phương đã công nhận cơ sở đóng tàu đủ điều kiện và đưa vào danh mục. Nhưng cơ sở đóng tàu không đủ năng lực và có vấn đề về chất lượng nên Bộ NNPTNT quyết định tạm dừng không cho 2 doanh nghiệp này nhận hợp đồng đóng mới nữa.

Bắt buộc phải khắc phục sau sự cố, đối với những con tàu đã nhận và đang đóng thì phải điều chỉnh sao có chất lượng tốt. Sau đó, Bộ sẽ xem xét nếu không đảm bảo thì sẽ đưa ra khỏi danh mục cơ sở đóng tàu đủ điều kiện.

Nhiều ngư dân cho rằng, họ bị chính các cơ sở đóng tàu lừa đảo. Vậy, có nên yêu cầu xử lý hình sự không thưa ông?

- Sau khi có kết quả từ Tổ thẩm định của UBND tỉnh Bình Định, kết hợp với xem xét hợp đồng dân sự giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Từ đó, tỉnh Bình Định sẽ có giải pháp quyết liệt để thực hiện theo đúng hợp đồng. Việc đưa sang hình sự hay không thì tùy theo mức độ và việc khắc phục cơ sở đóng tàu ra sao.

img

Chuyên gia Hàn Quốc đang kiểm tra tình trạng máy tàu bị hỏng cho ngư dân. Ảnh: D.T

Kiểm điểm, chấn chỉnh Trung tâm đăng kiểm

Ngư dân nằm bờ đối diện với số nợ hàng chục tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Quan điểm của Bộ về việc yêu cầu cơ sở đóng tàu bồi thường thiệt hại thế nào?

- Bộ NNPTNT đề nghị địa phương rà soát lại trong hợp đồng có sự cam kết này không?. Nếu không có thì phải có bổ sung, đồng thời cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm về việc gây ra thiệt đối với chủ tàu theo quy định.

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có bổ sung những quy định gì để tình trạng này không lặp lại?

- Chắc chắn đây là bài học thấm thía không những đối với Trung ương mà còn cả địa phương, cơ sở đóng tàu cũng như chủ tàu. Vì vậy, sẽ có những bài học kinh nghiệm và giải pháp để trong thời gian tới chúng ta sẽ khắc phục không để tái diễn tình trạng các cơ sở đóng tàu không có trách nhiệm hoặc chất lượng đóng tàu không tốt.

Phải khắc phục điều này để đảm bảo chính sách 67 của Đảng và Nhà nước đến được với ngư dân. Đồng thời, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển hiệu quả và thực hiện theo chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám trao đổi cùng Tổ thẩm định tàu 67 tại Bình Định. Ảnh: D.T

Còn trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm thuộc Tổng cục thủy sản thì sao, thưa ông?

- Để đóng 1 con tàu cũng như giám sát toàn bộ quy trình liên quan rất nhiều đơn vị, trong đó có quản lý nhà nước. Trong quản lý nhà nước có cơ quan đăng kiểm mà cụ thể ở đây 297 con tàu vỏ thép hoàn toàn do Trung tâm đăng kiểm của Trung ương trực thuộc Tổng cục thủy sản chịu trách nhiệm. Chúng tôi thấy rằng, vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. Chúng tôi sẽ kiểm điểm và rà soát, chấn chỉnh đối với cơ quan đăng kiểm trong thời gian tới.

Cụ thể việc chấn chỉnh ở đây gì, thưa Thứ trưởng?

- Bây giờ phải rà soát lại toàn bộ quy định, quy trình và trách nhiệm của đăng kiểm đối với từng con tàu một. Kể cả việc ban hành quy định về đăng kiểm cũng như các thủ tục đăng kiểm và trong việc giám sát đối với từng công đoạn đóng tàu. Nếu quy định hiện hành chưa đủ minh bạch, không thể hiện rõ trách nhiệm đăng kiểm thì chúng tôi sẽ sửa và hoàn thiện việc này. Sau đó, chúng tôi sẽ có kiểm điểm rất rõ ràng và đưa ra điều chỉnh.               

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem