Ngày 15.10, đoàn đại biểu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 đã có chuyến tham quan thực tế tại mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo.
Trời mưa tầm tã nhưng không thể ngăn được không khí hào hứng của các nông dân xuất sắc. Ngay khi đoàn vừa bước chân xuống xe, chuẩn bị bước vào khu nhà kính, ai cũng phải ngạc nhiên vì phải khử trùng giày dép để tránh những nấm mốc, vi sinh vật lạ lây lan trong khu vườn.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 háo hức tham quan các khu trồng rau công nghệ cao của VinEco Tam Đảo.
Bà Lê Thị Thà (Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi làm trong HTX chuyên sản xuất rau an toàn, rau tự nhiên nhưng quy trình, đối tượng để sản xuất lại bình dân hơn nên vào khu trồng rau hiện đại như thế này, tôi cảm thấy rất choáng ngợp. Tôi ấn tượng nhất là công nghệ tưới rau tự động nhỏ giọt ở khu nhà kính trồng rau thuỷ canh".
Háo hức không kém là bà Mai Thị Nhung (Nam Định), bà chụp hình, ghi chép tỉ mỉ từng quy trình, cũng như cách thức trồng rau ở từng khu v(ực. Bà không khỏi trầm trồ khi trông thấy khu ươm hạt giống được làm theo quy trình tự động, với những ô nhỏ tinh xảo.
“Trồng thuỷ canh kiểu này, ở Việt Nam, tôi chỉ mới biết là có mô hình ở Đà Lạt. Nay đi tham quan, mới được nhìn thấy thực tế. Tôi có hơn 40 ha đất. 2 năm nay, tôi tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng từ thuỷ lợi, đường xá, điện... Tôi đang ấp ủ làm một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ lâu mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Nay được tham quan, ý tưởng cũng bắt đầu manh nha để trở thành hành động, cũng hình dung được những công việc sau này phải làm như thế nào” – bà Nhung cho hay.
Từng trồng rau trong nhà lưới, nhưng thất bại thua lỗ hơn 4 tỷ đồng, nên anh Phạm Văn Hát ở Hải Dương càng mong đợi chuyến tham quan lần này. Anh vẫn có tham vọng một ngày gần đây nhất sẽ quay trở lại để trồng rau công nghệ cao.
“Tôi từng có hơn 2 năm làm việc ở các trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở Israel, cũng biết cách người ta sản xuất hiện đại như thế nào. Nhưng ở mỗi nơi mỗi khác, với điều kiện ở nước ta, việc áp dụng theo một cách rập khuôn sẽ dẫn đến thất bại. Cho nên lần tham quan này, tôi cũng muốn xem thử cách các công ty lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ra sao, để áp dụng cho mình sau này” - anh Hát chia sẻ.
Ông Vũ Đăng Nẩy (Lai Châu) vẫn chưa quên được thiệt hại do cơn bão vừa qua gây ra. Toàn bộ nhà lưới với giá trị hơn 140 triệu đồng bị bão thổi bay. Ông Nẩy bảo: "Sau khi tham quan nhà lưới này xong, tôi sẽ về bảo anh em thiết kế lại toàn bộ trang trại nhà lưới sao cho kiên cố, chắc chắn hơn".
Quan sát mô hình trồng rau thuỷ canh.
Bà Nguyễn Thị Thu - Đại diện VinEco cũng đã chia sẻ thông tin về chương trình của Tập đoàn Vingroup liên kết với 1000 HTX và hộ nông dân cung ứng nông sản sạch và an toàn. Thông tin ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các nông dân xuất sắc. Ai cũng muốn chia sẻ thông tin về cơ sở sản xuất của mình và xem xét các điều kiện để có thể tham gia hợp tác.
“Chương trình liên kết bắt đầu triển khai từ 1.9.2016 với tổng ngân sách khoảng 300 tỷ đồng cho năm đầu tiên, trực tiếp hỗ trợ tới 1.000 HTX và hộ nông dân. Điều kiện tham gia là các hộ sản xuất có quy mô tối thiểu trên 1 ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn; ưu tiên những hộ sản xuất đã đạt tiêu chuẩn VietGap, hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng miền” – bà Thu cho biết.
Ông Nguyễn Đình Thắng (Tuyên Quang):
Đừng để mình lạc hậu công nghệ
Nông dân trong thời đại mới phải liên tục đổi mới công nghệ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều khi máy móc, dây chuyền mình mới nhập về chưa lỗi thời nhưng đã xuất hiện công nghệ mới tốt hơn. Tốn kém, mất nhiều công sức, nhưng mình cũng phải thay đổi theo, không sẽ bị lạc hậu. Việc tham quan lần này cũng vậy, có thể tôi sẽ không áp dụng được ngay những kinh nghiệm trồng trọt này nhưng nó giúp mình mở rộng tầm nhìn cho tương lai.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.