Sự thực "đắng" về gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao

Anh Thơ Chủ nhật, ngày 06/05/2018 06:45 AM (GMT+7)
Với Quyết định 19/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5.6.2018 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ có thêm nhiều cánh cửa để mở ra những cơ hội mới.
Bình luận 0

Sản phẩm CNC chiếm ít nhất 60% doanh thu

Đó là một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Ngoài ra, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật CNC, cụ thể:

Ứng dụng CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 5 của Luật CNC để sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.

img

Doanh nghiệp nông nghiệp CNC phải có ít nhất 2,5% số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Ảnh: I.T

Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.

Cơ sở giúp DN tiếp cận chính sách tín dụng

Trên thực tế, cho đến nay, mới có 1/3 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp CNC được giải ngân, trong khi các doanh nghiệp luôn trong cơn “khát” vốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lượng doanh nghiệp được chứng nhận CNC còn hạn chế khiến ngân hàng thận trọng cho vay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10.2017 tăng 19,0%, chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, trong đó, tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng CNC tăng 25,12% so với năm 2016.

Theo Bộ NNPTNT, đến nay, Bộ đã cấp giấy chứng nhận cho 28 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 9 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất trồng trọt (rau, hoa); 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi (bò sữa, lợn, gà); 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Sau 6 tháng triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp ứng dụng CNC, tín dụng cho nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%. Hiện, ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đầu trong giải ngân vốn là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank…

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mắc về chứng nhận tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng cũng như việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch mới chủ yếu dừng lại ở các tiêu chí mang tính định tính. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc xác định dự án nông nghiệp CNC trong quá trình thẩm định cho vay. Trong một cuộc hội thảo về tín dụng cho nông nghiệp CNC, bà Thái Hương – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á khẳng định, cần phải có những tiêu chí cụ thể hơn, mang tính định lượng, giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ tìm được tiếng nói chung trong quá trình xin vay và xét duyệt cho vay.

Quyết định 19 sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với những chính sách ưu đãi của Nhà nước trong việc thúc đẩy nông nghiệp CNC phát triển, đặc biệt là chính sách tín dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem