Tây Ninh tăng gấp 3 lần nguồn vốn đầu tư nông nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 22/12/2016 14:36 PM (GMT+7)
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có nhiều lợi thế khác biệt so với các địa phương khác từ địa hình, thổ nhưỡng đến vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, song tỉnh này vẫn còn nhiều bất cập do diện tích đất sản xuất không tập trung, chưa phát huy được vai trò kinh tế hợp tác, sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa chặt chẽ.
Bình luận 0

Sở NNPTNT Tây Ninh xác định việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu tất yếu để đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, xác định sẽ giảm quy mô diện tích các cây truyền thống (lúa, mì, cao su) để phát triển mạnh các loại rau, quả, cây ăn trái nhiệt đới (mảng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm) và sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao.

img

Trồng mãng cầu VietGAP dưới chân núi Bà Đen. Ảnh: N.V

Với chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tăng đàn và chất lượng đàn bò, đàn heo, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm. “Để nâng cao tiêu chí thu nhập nông thôn thì tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò quyết định. Quan điểm trong tái cơ cấu phải lấy thị trường làm gốc và do doanh nghiệp khởi xướng” - ông Trong khẳng định và cho biết vốn từ ngân sách cho nông nghiệp sẽ tăng gấp 2,5 - 3 lần so với hiện nay nhằm đổi mới cơ cấu vốn đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Huỳnh Biển Chiêu - nông dân trồng 4.600ha, cho sản lượng 60.000 tấn/năm mãng cầu VietGAP cho rằng, nông sản thường phụ thuộc nhiều vào rủi ro thời tiết. Giá nông sản không ổn định trong khi các kỹ thuật chưa được ứng dụng một cách đồng bộ. Bình quân, mỗi tấn mãng cầu được bao trái tốn thêm 4 – 5 triệu đồng, nhưng giá bán vẫn bằng với mãng cầu không được bao trái. Vì vậy đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, quy mô lớn là rất cần thiết.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, nghị quyết về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn đã được biểu quyết thông qua. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp; tổ chức đại diện của nông dân và nông dân. Các đối tượng này đều phải đáp ứng điều kiện có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn theo diện tích tối thiểu của quy định hiện hành.

Theo đó, đối với doanh nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ 40% kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi; hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân liên kết sản xuất theo hợp đồng. Với các tổ chức đại diện của nông dân, tỉnh hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 với chi phí thực tế thuốc bảo vệ thực vật, công lao động; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và 50% cho cán bộ quản lý. Đối với nông dân, mức hỗ trợ là 30% cho chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem