Trải qua bao thăng trầm, biến cố, nghề đúc đồng làng Chè vẫn "sống khỏe" và giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được. Với những sản phẩm nổi tiếng như: Ảnh Bác Hồ, trống đồng, sản phẩm mỹ nghệ kim loại...qua đôi bàn tay khéo léo các nghệ nhân giàu kinh nghiệm "thổi hồn" tạo nên những sản phẩm tinh xảo.
Theo các cụ cao niên trong làng nhớ, nghề đúc đồng ở làng Chè ra đời từ khoảng thế kỷ 17, khi đó dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng Chè nên ở làng còn có câu ca “đất họ Lê-nghề họ Vũ”. Nhưng cũng có ý kiến, nghề đúc đồng ở làng Chè do ông Khổng Minh Không truyền nghề (Khổng Minh Không là một nhân vật huyền thoại) là tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta.
Xây nhà, mua xe từ nghề đúc đồng truyền thống. Ảnh: Vũ Thượng
Nghệ nhân Lê Văn Bảy với 40 năm trong nghề chia sẻ: "Cho đến nay, làng Chè vẫn "sống khỏe" từ nghề đúc đồng, nhiều gia đình xây nhà lầu, mua xe ôtô...Nghề rất phát triển. Nhà tôi đang tạo công việc cho 20 lao động, lương bình quân tháng từ 6-8 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hiện nay cái khó của nghề đúc đồng vẫn là lao động, giờ bộ phận thanh niên không chịu làm nghề vì vất vả, thời gian đào tạo khoảng 5-7 năm nên đang lo nghề bị mai một...".
Nhiều sản phẩm tinh xảo được nghệ nhân làng Chè đúc thành công. ảnh: Vũ Thượng
Đưa phóng viên đi tham quan gian trưng bày sản phẩm và lò nung, nghệ nhân Lê Văn Bảy tâm sự thêm: "Tôi cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, được các Bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen về những đóng góp trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, ngày 26/9/2013, tôi cùng tổ thợ đã hoàn thành việc đúc chiếc trống đồng, được nhận định lớn nhất thế giới, đưa vào kỷ lục, làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Các nghệ nhân trong làng Chè vẫn "sống khỏe" từ việc đúc đồng "mách nước", muốn đúc thành công một sản phẩm, người thợ phải tạo mẫu như hình ảnh, lấy đất sét đắp mẫu theo quy định, chỉnh sửa đường nét, ngôn ngữ điêu khắc...
Tiếp đến chuyển qua khâu tạo khuôn, dùng đất, chấu, giấy gió để làm khuôn âm bản. Lấy đất bùn củ, chấu, bột chịu nhiệt làm cốt bên trong. Nung chín khuôn ở nhiệt độ khoảng 700 độ C, sau đó để nguội căn chỉnh độ dày mỏng của phần đồng. Chỉnh sửa khuôn, lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt nung lại một lượt nữa ở nhiệt độ 500 độ C, ghép khuôn thành một khối.
Cũng như nấu đồng ở nhiệt độ 1.200 độ C, khi đồng chảy hết pha thiếc, chì, kẽm theo tỷ lệ, điều chỉnh nhiệt khoảng 1.250 độ C, nước đồng lỏng đạt theo yêu cầu lúc đó đưa ra và rót vào khuôn. Tuỳ theo từng thành phẩm mà các nghệ nhân pha trộn khác nhau.
Để tạo nên sản phẩm riêng biệt, chỉ làng Chè đúc đồng xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) mới có chính ở giai đoạn trước khi đúc đồng và các hợp kim nóng chảy vào khuôn phải nung khuôn nóng đều, đủ độ nhiệt cho đồng chảy đều trong khuôn.
Đó là yếu tố cốt lõi cần kinh nghiệm, đôi mắt và khả năng phán đoán của nghệ nhân. Bước cuối cùng khi đủ thời gian khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục...theo con mắt thẩm mỹ của người thợ.
Trống đồng làng Chè xác lập lớn nhất Việt Nam
Ông Đỗ Đức Thanh-Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết: "Năm 2002 làng Chè đúc đồng được khôi phục, với 30 hộ tham gia, nghề đang giải quyết cho hơn 200 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Làng Chè vẫn "sống khỏe" từ đúc đồng truyền thống, nghề chủ yếu dựa vào sự cần cù của nghệ nhân. Đến nay, nhiều gia đình làm ăn khấm khá, mở rộng thêm quy mô để đưa nghề đúc đồng làng Chè vang mãi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.